Zangthalpa – Phần 52: Thánh sư điên Thangtong Gyalpo – P2: Hành động kỳ quặc và những lời dạy của Thangtong Gyalpo

Zangthalpa – Phần 52: Thánh sư điên Thangtong Gyalpo – P2: Hành động kỳ quặc và những lời dạy của Thangtong Gyalpo


 Zangthalpa tiếp tục nói: 

“Cách hành xử kỳ quặc của một hành giả điên giúp tăng trưởng chứng ngộ của họ, chứng ngộ đó được gọi là trạng thái một vị. “Một vị” nghĩa là kinh nghiệm mọi thứ, cả sướng, khổ, bẩn, sạch… đều bình đẳng như nhau vì đều mang vị của Đại Lạc. Sự chứng ngộ trạng thái một vị này là mục tiêu tu hành của mọi hành giả, kể cả trong quá khứ ở Ấn Độ và được nhắc đến rất nhiều trong các mật điển. 

Tri kiến rằng tất cả mọi sự vật hiện tượng đều bình đẳng và đều có một vị bởi vì nó không hề có tự tính là một giáo lý rất cao cấp. Vì mọi thứ không có tự tính, không có tính nóng, tính lạnh, tính cứng, tính mềm, nên nó là một vị. Đây là giáo lý tuyệt đối. Sự chứng ngộ nó được biểu hiện qua lối sống hàng ngày của một hành giả điên. Những hành xử như vậy sẽ làm tăng trưởng sự chứng ngộ một vị. Và mục đích của nó là đập tan mọi thói quen của tâm trí nhị nguyên thông thường và phát triển một trạng thái bình đẳng với 8 mối quan tâm thế gian.

Nếu đã thấy rằng khen chê là như nhau, tại sao không dám làm những việc đúng nhưng dẫn tới bị chê bai? Nếu đã thấy được mất là như nhau, sao không dám làm những điều ích lợi cho người khác nhưng dẫn tới mất mát về danh dự và tiền bạc? Thangtong Gyalpo đã chứng ngộ Sự thật tuyệt đối, nên đối với Ngài, tất cả đều có chung một vị – vị của Nhận Biết. Để ta kể cho các con nghe những câu chuyện cho thấy Ngài trải nghiệm trạng thái một vị này như thế nào nhé!”

Chương II – Hành động kỳ quặc của Thangtong Gyalpo (tiếp)

4. Bị đâm, bị treo đá vào chim, ăn phổi ngựa chết và kinh nghiệm mọi cảm giác đều là một vị

Sự chứng ngộ của Thangtong Gyalpo đã được nhấn mạnh trong một tên gọi khác mà các vị Dakini tặng cho Ngài trong một bài thơ như sau:

“Cho dù hoàn cảnh điều kiện khác nhau nào được biểu hiện
Thì nhận ra rằng đó chỉ là một giấc mơ, chỉ là một tiếng vang
Ngài vượt qua 8 mối quan tâm thế gian
Đối với Ngài chúng đều có một vị
Và vì thế chúng tôi xin đặt tên cho Ngài là ‘Rkyen rnams ro snyoms mkhan’,
‘Người mà tất cả mọi điều kiện đều có chung một vị như nhau’.
Người đã hoàn toàn làm chủ được dòng chảy của các suy nghĩ thông thường
Đã đạt được kinh nghiệm về một vị trong mọi trạng thái của tâm.”

Zangthalpa đưa mắt nhìn quanh, từng gương mặt học trò lúc này lộ vẻ háo hức như vừa được giới thiệu về một vùng đất mới lạ nhưng cũng có phần băn khoăn vì không biết làm sao để thực sự đặt chân đến đấy. Hiểu lòng học trò, Zangthalpa nói tiếp:

“Đấy là điều mà các con có thể thực hành được. Buồn, vui, giận, hờn, lo, sợ, đều là một vị. Thay vì mình tập để hết những trạng thái đấy, mình tập để thấy nó cùng một vị và tự do với nó. Đấy mới là mục tiêu của tu hành, chứ không phải tu hành để hết những trạng thái tiêu cực. Tu hành để hết tiêu cực là một cách hiểu rất nhầm lẫn. Tu hành để chứng ngộ sự một vị của tất cả các cảm xúc, tự do khỏi cảm xúc chứ không phải là mất cảm xúc tiêu cực và chỉ còn cảm xúc tích cực. Điều này được minh hoạ bằng sự kiện sau vào năm 1430.”  

Sau khi Thangtong xây xong cây cầu đầu tiên, Ngài đi đến vùng đất Tolung. Trên đường đi, Ngài gặp rất nhiều đàn ông đến từ vùng Minyak. Thangtong lúc đấy đã rất nổi tiếng ở Tây Tạng, họ nhận ra và xin Ngài giảng pháp. Họ cúng dường Ngài rất nhiều đồ sở hữu cá nhân như là mũ, kiếm, cung tên. Ngài liền mặc tất cả các thứ ấy lên người và đi đến vùng biên giới của Sakha Nakpa và Gyere Tsarpa.

Lúc đấy có một cuộc chiến đẫm máu diễn ra giữa 2 vùng Minyak và Gyere. Khi Người Gyere nhìn thấy Ngài trong trang phục của quân Minyak, họ liền nghĩ ngay Ngài là một chiến binh của phe kẻ thù. Họ xông đến cướp sạch đồ đạc của Ngài. Chưa hết, họ còn thi nhau dùng dao và mũi tên đâm rất nhiều nhát vào thân thể Ngài. Khi đó, Ngài kinh nghiệm sự bình đẳng một vị của mọi cảm giác và tận hưởng vị đau một cách đầy phúc lạc. Vì thế nên không đánh lại và cũng chẳng kêu một tiếng nào. 

Ngài là một người rất to khoẻ nhưng lại không hề chống trả hay phản kháng gì, để yên cho họ đâm và đánh thoải mái. Chỉ cần những kẻ hành hạ Ngài biết Ngài chính là Đại sư Cầu sắt thì Ngài sẽ không phải chịu những đau đớn thân thể ấy, nhưng Ngài chẳng nói gì hết. Khi Ngài không có một chút phản ứng gì như thế, những người Gyere nghĩ rằng Ngài đúng là một nạn nhân thích hợp. Họ liền lấy dây thừng buộc vào bộ phận sinh dục của Ngài và treo một hòn đá nặng vào đấy. Sau đó, trong đêm tối, họ trói chặt Ngài lên một hàng rào.

Đến sáng, khi mặt trời lên, họ nhìn thấy khuôn mặt Ngài thì hốt hoảng quỳ xuống khóc lóc: “Ôi, đấy chính là Đại hành giả đã xây cầu cho chúng ta! Chúng ta đã tạo ra một nghiệp xấu vô cùng rồi!” Sau đó họ cung kính gỡ Ngài xuống khỏi hàng rào một cách đầy hối hận, nhưng Ngài lại chẳng có tí giận dữ nào hết. Thậm chí, khi họ thành tâm sám hối với sự tiếc nuối lớn lao thì Ngài vui vẻ nói rằng: “Đây là một thực hành sâu thẳm để trường thọ.”

Zangthalpa giải thích thêm: “Đây là một ví dụ về hành xử như kẻ điên. Nếu thực sự con kinh nghiệm được một vị, con sẽ thấy bị đâm vào người, bị treo đá vào chim, bị trói lên hàng rào với cả ngồi đây hưởng trăng thanh gió mát cũng đều cùng một vị mà thôi. Vị gì? Vị của Nhận Biết.

Ví dụ, cứng và mềm là hai kinh nghiệm khác nhau, nhưng nó đều có vị chung là vị Nhận Biết. Sự thật tương đối có rất nhiều vị, sự thật tuyệt đối chỉ có một vị. Cái gì một vị là sự thật tuyệt đối, cái gì nhiều vị chắc chắn là tương đối. Người chứng ngộ một vị là người chứng ngộ được sự thật tuyệt đối trong tương đối, thực sự kinh nghiệm trực tiếp điều đó chứ không chỉ là hiểu. Khi ấy họ mới làm những điều trái ngược với quan điểm thông thường, những việc mà người thường cho là có hại. Ví dụ, bị đánh đập, đâm chém, đau chim thì đối với người thường là vị không tốt, nhưng với người chứng ngộ sự thật thì kinh nghiệm chỉ một vị – vị của Nhận Biết. Nên Thangtong có thể làm rất nhiều chuyện mà người thường thấy rất ghê sợ, ví dụ ăn cứt, bị đâm mà không kêu cứu. Thậm chí, với một bậc giác ngộ điên như Thangtong thì ăn phổi ngựa chết còn ngon hơn cả một bữa tiệc linh đình.”

Thangtong Gyalpo một lần đi qua xác con ngựa chết ở ven đường, Ngài lao vào bới móc cái xác ngựa, tìm kiếm trái tim của nó để sử dụng cho một buổi lễ mà không thấy. Ngài liền cầm lấy phổi của con ngựa đang dính đầy máu mủ, ban phước cho nó sau đó ăn ngay lập tức. Những người xung quanh kêu lên: “Người này chắc chắn phải là một con quỷ ăn xác chết!” Rồi họ kinh hãi chạy hết. Ngày hôm sau, tỉnh trưởng của Yargyab mang một lượng lớn đồ ăn thức uống, rượu thịt ngon lành đến để cho Thangtong sử dụng làm buổi lễ, nhưng Ngài nói rằng: “Ta nghĩ rằng bữa tiệc hôm qua là hoàn hảo nhưng không ai có khả năng ăn nó. Bữa ngày hôm nay không thể ngon bằng hôm qua được.”

Trong lúc hội chúng nhiều người nhăn mặt hình dung về cảnh Thangtong Gyalpo ăn tươi nuốt sống phổi của một con ngựa chết, máu mủ vương đầy miệng, Zangthalpa giảng giải: “Ăn cứt với người thường thì có vị thối, với người giác ngộ thì vừa có vị thối vừa có vị Biết, vị Biết ôm trọn lấy vị thối, vị thối tan trong vị Biết, nên Biết mới là vị thật sự, thì đối với người ấy, chẳng có vấn đề gì hết. Đấy là dấu hiệu của một tâm rộng mở không còn giới hạn, họ có thể nếm được vị tuyệt đối trong vị xấu. Trong vị thối bẩn của cuộc đời này, họ nếm được vị Nhận Biết: trống không và bình đẳng.”

“Ngài vượt qua 8 mối quan tâm thế gian
Đối với Ngài chúng đều có một vị”

5. Ăn cướp ở Penyul

Một hành giả hành động để tăng tốc độ chứng ngộ trạng thái tự nhiên tuyệt đối của mọi sự vật hiện tượng có thể bị người khác nhìn như một người điên hoặc là một kẻ ngốc, mà không thể dùng bất kỳ tiêu chuẩn thông thường nào để đánh giá họ hết. Tuy nhiên, việc gọi họ là ngốc hay là điên chỉ là theo tiêu chuẩn thông thường mà thôi. Một lần có một vị tu sỹ học giả nói với ngài Tsang Nyon Heruka là: “Nghe nói là có một người tu hành điên ở quanh đây, đó có phải là ông không?”, Tsang Nyon Heruka trả lời: “Có rất nhiều cách để nhìn điều này. Trong cách nhìn của ta thì chính ông mới là một kẻ điên!” Điên chỉ là trong mắt người thường thôi.

Trong một số tình huống, Thangtong Gyalpo được coi là một người ngu ngốc, một gã điên, một kẻ ăn xin, thậm chí là một tên ăn trộm và một con quỷ. Một vị sư đã từng buộc tội Ngài là giả vờ để lừa những người có tín tâm bằng cách ăn mặc giống như là một hành giả thực hành Pháp.

Với Thangtong Gyalpo và những vị thầy đặc biệt thì những người thường mới là những người mộng du, những người đã thực sự chết rồi. Những người điên tưởng nhầm những thứ không có thật là thật và tìm kiếm lạc thú ở những thứ không có thật.

“Các con nghe có quen không? Tìm kiếm lạc thú ở những thứ không có thật, có điên không? Tưởng những thứ không có thật là thật, có điên không? Đấy mới là điên chứ!” – Zangthalpa nhắc nhở học trò liên hệ với những gì họ đang thực hành để nhận ra ảo tưởng thế giới là có thật và từ bỏ việc tìm kiếm hạnh phúc từ những thứ trong mơ – “Một hành giả điên đã đạt được sự tự do khỏi các giới hạn của luân hồi, trong khi những người thường thì vẫn còn bị trói buộc bởi những cái nhìn hạn hẹp của họ. Một hành giả điên đã không còn phải thỏa hiệp gì nữa trong cả lối sống và trong nội dung giáo pháp họ giảng dạy. Và họ trực tiếp đối diện với luân hồi bằng những phương pháp rất sáng tạo để đạt được giải thoát. Sự chứng ngộ ‘một vị’ sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và tăng trưởng bằng thực hành hành động kỳ quặc.” 

Thangtong Gyalpo thường xuyên đối diện với những tình huống xấu và trong một số trường hợp thì không thể lý giải nổi tại sao Ngài lại hành xử như vậy. Một lần, để giải cứu nạn đói nghiêm trọng ở vùng Penyul, thung lũng phía Bắc của Lhasa, Thangtong nói với các đệ tử: “Ta sẽ đi đến Penyul.” Sau đó, Ngài tới Penyul cùng với 6 đệ tử và ra lệnh: “Bất kỳ ai chúng ta gặp hôm nay, hãy cướp tất cả những gì họ có!”

Trên quá trình đi từ Gyalchen Tse đến vùng Penyul, Ngài gặp một phụ nữ đang vác một bao tải lúa mạch mà cô vừa vay nợ được của người ta. “Hãy đưa ta chỗ lúa kia!”, Thangtong ra lệnh. Nhận ra Ngài, người phụ nữ khóc oà lên: “Ôi, thưa đại sư đến từ vùng đất Kham, hãy từ bi tha cho con! Gia đình con rất đông người mà chẳng có gì ăn ngoài chỗ lúa mạch này!”

Mặc kệ vẻ đau khổ tột độ của người phụ nữ, Thangtong xông tới cướp ngay bao lương thực duy nhất của cô rồi đạp vào hông ngựa chạy đi mất. Người phụ nữ liền gọi rất nhiều người đàn ông đến từ vùng Kham và vùng Minyak đi ngang qua, nhờ họ đuổi theo Ngài. Khi đuổi đến nơi, không nhận ra đó là bậc Đại hành giả, họ nghĩ rằng Ngài là người đến từ vùng Amdo đã cướp lương thực nên liền trói Ngài lại và đánh thậm tệ. Họ dìm Ngài xuống nước, sau đó ném Ngài ngửa xuống đất, rồi dí lỗ đít lên mặt Ngài, phun phân và tè lên khắp người Ngài. Tuy nhiên, Thangtong vẫn vui vẻ nghĩ rằng: “Đây quả là một kết nối nghiệp tốt lành!”

Vị thủ lĩnh vùng Minyak thấy cảnh đó bèn nghĩ: “Cái đám đầy tớ dốt nát này có vẻ đã quá tay rồi. Chúng có thể giết chết người kia mất.” Ông thúc ngựa lại gần định can thiệp, khi đến nơi thì nhận ra Thangtong. Ông ta liền nhảy vội xuống ngựa, lễ bái và kêu lên: “Đại sư, Ngài có sao không?” Thangtong trả lời: “Một kết nối nghiệp tốt lành đã xảy ra vào ngày hôm nay với ta. Sau hai ngày nữa thì nạn đói sẽ chấm dứt.”

Sau đó thì Thangtong đưa cho tù trưởng số lúa mạch đã cướp từ người phụ nữ và nói rằng: “Hãy đưa chỗ lúa mạch này cho các học trò của ta đang đi cướp ở phía sau!” Sau đó Ngài quất ngựa và nói lớn rằng “Ta sẽ quay lại Lhasa!” rồi đi mất.

Vị thủ lĩnh Minyak trả cho người phụ nữ một bao lúa mạch và đưa bao lúa mạch của cô cho 6 đệ tử của Thangtong. Chỗ lúa mạch này được dùng để thay vào chỗ lúa mạch cũ trong cái bát bố thí trên tay bức tượng Jowo nổi tiếng ở Lhasa, Thangtong đã phát những lời cầu nguyện tốt lành cho vùng đất này. Hai ngày sau, nạn đói đã chấm dứt.

Bức tượng Jowo tại Lhasa ngày nay

Zangthalpa giải thích.

“Các con có thấy thế nào là vượt ra khỏi khuôn mẫu không? Thangtong không chỉ sai học trò đi cướp mà chính Ngài cũng đi cướp. Mà là cướp của ai? Cướp của một người bần cùng cả gia đình đang chết đói, phải đi vay mượn để mong thoát chết. Đây là bằng chứng rõ ràng về hành động không ngăn ngại của Ngài, không việc gì là không dám làm. Thậm chí dám làm cả những việc mà nếu xét trên quan điểm thông thường thì đó là một hành động phạm giới độc ác, táng tận lương tâm, không thể chấp nhận được. Nhưng với một người đã vượt ra khỏi đúng sai tốt xấu thì đó lại là một kết nối nghiệp tốt lành. Thông thường kết nối nghiệp tốt lành phải là những chuyện tốt đẹp, đúng không? Còn đây là gì? Cướp, xong bị đánh, trói, dí mông lên mặt, tè và ỉa lên người, thế mà lại là tốt lành, vui vẻ. Với các con thì không thể tốt lành vui vẻ, nhưng với người đã chứng ngộ thì tất cả đều chỉ là một vị, vị của Nhận Biết.”

Đám đông có vẻ hết sức hoang mang. Tất cả những tiêu chuẩn mỗi người đang mang theo đều bị đảo lộn hết cả. Một học trò dũng cảm lên tiếng: “Thưa thầy, con thấy thật khó để biết được hành động là tốt hoặc xấu nếu chỉ nhìn vẻ ngoài của nó. Ở đây, thậm chí cướp đi lương thực của một người nghèo đói lại là làm lợi cho họ. Làm sao có thể thế được?”

Zangthalpa cười vang và nói: “Quá vô lý đúng không? Cuối cùng một người như vậy là Phật hay là quỷ? Các con hãy chờ xem nhé!”

Chương III – Những lời dạy của Thangtong Gyalpo

1. Phật hay quỷ?

Tâm trí hạn hẹp sẽ không thể hiểu nổi những hành động kỳ quặc hay điên khùng của Thangtong Gyalpo nếu không hiểu được động cơ của Ngài. Ngài chắc chắn cũng nhận ra rằng điều này là không thể với rất nhiều người. Và đã có lần Ngài nhấn mạnh rằng: “Một nửa Tây Tạng sẽ nhìn ta như một vị Phật thật sự, và nửa còn lại sẽ nhìn ta như một con quỷ thật sự.” 

Một lần, trong khi đang ẩn tu tại Riwoche, Thangtong đã viết ra một loạt những câu thơ chỉ ra rằng mọi vật không phải lúc nào cũng như chúng có vẻ là, rồi chuyển những câu thơ này cho một nhóm các học trò và hộ thất đang tập trung trước túp lều thiền định của Ngài.

“Những hành giả trung thành chạy theo đức hạnh,
Hãy lắng nghe xem điều này là quanh co hay thẳng thắn!

Tất cả thẳng thắn không phải đều là thẳng thắn
Sự thẳng thắn của kẻ ngốc là quanh co.

Tất cả quanh co không phải đều là quanh co
Sự quanh co của người trí tuệ là thẳng thắn.

Tất cả lợi ích không phải đều là lợi ích
Lợi ích của kẻ ngốc là có hại.

Tất cả thiệt hại không phải đều là thiệt hại
Thiệt hại của người trí tuệ là lợi ích.

Tất cả niềm vui không phải đều là niềm vui
Niềm vui của kẻ ngốc là đau khổ.

Tất cả đau khổ không phải đều là đau khổ
Đau khổ của người trí tuệ là niềm vui.”

Ý định thực sự trong hành động của Thangtong Gyalpo, bất kể biểu hiện của chúng có thế nào, luôn luôn là làm điều tốt nhất có thể. Đôi khi Ngài làm điều này bằng cách thực hiện chính xác điều ngược lại với những gì được mong đợi. Trong mọi tình huống, Ngài vì lợi ích của người khác mà sử dụng các hành động có vẻ tiêu cực bề ngoài, nhưng về bản chất và kết quả lại tích cực. Cách hành xử này là ứng dụng thực tiễn của các lý thuyết trong kinh điển Mật thừa như Mật điển Đức Hô Kim Cương.

Phật hay quỷ? – Một nửa Tây Tạng xem Ngài thật sự là Phật và một nửa còn lại xem ngài thật sự là quỷ

2. Sự thanh tịnh của tâm chính là Phật

Giáo lý của Ngài Thangtong Gyalpo cũng có đề cập đến thế nào là một hành động tội ác hay đức hạnh. Mọi hành động được xem như biểu diễn trạng thái tâm của một người. Vì thế, trạng thái tâm mới là yếu tố quyết định một hành động là ác hạnh hay thiện hạnh. Ví dụ, khi một người hành động không bị thôi thúc bởi sự vị kỷ mà với mục đích chuyển tâm người khác ra khỏi ác hạnh thì nói dối và sử dụng những từ ngữ thô tục không có gì là sai cả. Hành động với động cơ đức hạnh là hành động đức hạnh.

Nguyên tắc tương tự cũng được sử dụng cho các hành động liên quan đến thân thể, ngay cả giết hại, nếu được sử dụng với động cơ tham lam thì được coi là tội ác, còn nếu được sử dụng với với lòng từ bi và yêu thương thì được coi là đức hạnh. Vì vậy, bản chất của mọi hành động được quyết định bởi việc nó có vị kỷ không, nó có đến từ một trạng thái tâm không còn tin có ta và người hay không? Thangtong đã từng nhấn mạnh về điều này cho các đệ tử trong các bài kệ.

“Sự thanh tịnh của tâm con chính là Phật
Tất cả những thứ hiện ra đều như những ảo ảnh trong một giấc mơ
Khi thế giới được hiểu theo cách này
Thì không có cái gọi là nghiệp và kết quả của nghiệp
Không có sự chín thành của nghiệp,
Không có nhân và không có quả
Và không có một cá nhân nào kinh nghiệm những điều này
Đó là bởi vì đã thoát khỏi sự bám chấp vào tự ngã
Không có kết quả của nghiệp tốt và nghiệp xấu
Và không có lý do gì để trở nên bối rối

Tuy nhiên, trong một thế giới tương đối với nhận thức còn lầm lạc
Với một người chưa có chứng ngộ
Thì có nghiệp và có kết quả của nghiệp
Có sự chín thành của nghiệp
Có sự hạnh phúc và đau khổ
Và có một người kinh nghiệm điều này
Đó là kết quả của việc vẫn còn bám chấp vào tự ngã
Có những nghiệp tốt và nghiệp xấu, và có kết quả của điều đó

Ở trong thế giới tương đối của nhận thức còn nhầm lẫn
Thì con hãy chấp nhận là có nhân, có quả và có nghiệp là sự thật
Hãy hành động với mục đích đạt được giác ngộ và lòng đại bi
Hãy cẩn thận, hãy chánh niệm và hãy chú ý!
Hãy giữ các giới nguyện của mình
Và những cam kết thiêng liêng!”

Zangthalpa giảng giải:

“Nãy giờ các con thấy cảm hứng với cách hành xử điên khùng của Thangtong Gyalpo đúng không? Nhưng nếu không ở một trình độ chứng ngộ cao cấp thì không thể hành động như vậy được.

Trong thế giới mà khi đã thực sự thấy được chân lý tuyệt đối thì không còn có nghiệp và kết quả của nghiệp. Ngược lại, trong thế giới tương đối và vẫn còn bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ thì vẫn phải cẩn thận nhân quả. Đấy là lời dạy của Thangtong Gyalpo.

Trong lịch sử đã có rất nhiều hành giả được học về chân lý tuyệt đối nhưng chưa chứng ngộ mà hành động bất chấp nhân quả, vi phạm những giới nguyện thiêng liêng. Những người này đã bị các vị Hộ Pháp trừng phạt, thậm chí giết để bảo vệ Pháp. Đại toàn thiện hay Đại thủ ấn là Giáo Pháp vô cùng cao quý, có thể dẫn một người đến giải thoát ngay trong một đời. Bởi vậy Giáo Pháp này luôn có những vị Hộ Pháp mạnh mẽ và hung dữ bảo vệ. Họ sẵn sàng ra tay không ngần ngại với những kẻ không biết quý Pháp mà lợi dụng Pháp để phạm giới, trục lợi bất chính cho bản thân. 

Nếu vẫn còn tin mình là thân thể này, khi hành động để cho tôi sướng, thì đến lúc quả xấu trổ ra các con sẽ vẫn tin tôi là người chịu quả xấu đó, và sẽ bị đau khổ. Bởi vậy dù học Pháp cao đến mấy, các con vẫn phải cẩn thận nhân quả, và phải tự biết trình độ của mình ở đâu để mà hành động.

Mặc dù đã được biết đến chân lý tuyệt đối, nhưng cho đến ngày giác ngộ hoàn toàn, các con vẫn sống trong thế giới tương đối. Trong thế giới tương đối thì nhân quả là tuyệt đối, bởi vậy vẫn cần gieo những nhân đúng đắn như quy y Tam bảo, sợ vô thường, phát Bồ đề tâm, hiểu rõ về Vô ngã… Một trong những di sản quan trọng của Thangtong Gyalpo là lời nguyện quy y “Người Mẹ Vô hạn Như Không gian” giúp chuyển tâm những người thực hành về Pháp.

3. Lời cầu nguyện quy y

Một đêm nọ, Đức Pháp Vương Ka Ngapa đã có một thị kiến rõ ràng về một sa di trẻ tuổi cưỡi sư tử, được bao quanh bởi một đoàn tùy tùng gồm rất nhiều thần tiên và phi nhân xuất hiện trên bầu trời. Người này nói rằng: “Ta là Đại Thành tựu giả Ấn Độ Kukkuripa. Ta cần những thứ thuộc về mình đã được giao phó cho Ngài. Ta sẽ chăm sóc các đệ tử ở ba khu vực Trung Tây Tạng, Tsang và Kham.” Nói rồi, người này bay xuyên không gian về phía đông.

Ngay khi trời vừa rạng sáng, Pháp vương Ka Ngapa đã dặn dò các đệ tử “Một vị khách quý sẽ đến tu viện của chúng ta hôm nay, một người mà bất kỳ mức độ tiếp xúc nào với Ngài ấy cũng đều có ý nghĩa, một người mà mọi sự biểu hiện đối với Ngài đều phát sinh như những kết nối tốt lành. Người này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho chúng sinh bằng các phương tiện thiện xảo, mang lại những kết nối tốt lành nhất ở mọi nơi, từ trong ra ngoài!”

Thị giả của Ka Ngapa đã trang hoàng tu viện bằng những dải lụa nhiều màu, để ngay tại cổng vào một bao lúa mạch, trên đó đặt một chiếc bình quý chứa đầy nước tinh khiết. Trên chiếc bình là một vỏ ốc xà cừ trắng có đính một dải lụa ngũ sắc để chào đón khách quý.

Trong khi người thị giả đang chuẩn bị bữa ăn trong nhà bếp, bỗng xuất hiện ba tiếng thổi vang của vỏ ốc xà cừ. Khi người này nhìn qua cửa sổ, ông thấy có người mặc áo tu hành, chính là Thangtong Gyalpo, ôm bao lúa mạch trong lòng áo cà sa, tay trái cầm bình nước quý, tay phải cầm vỏ ốc xà cừ trắng, mỉm cười rạng rỡ đi thẳng vào chánh điện.

Tại đây, Thangtong đã được thay y phục, được nhận lễ quy y đầy đủ bởi Pháp vương Ka Ngapa và tăng đoàn, hiệu là Tsondru Sangpo nghĩa là “Tinh tấn tốt lành”. Ngài ở lại với Đức Pháp Vương Ka Ngapa một thời gian và nhận được nhiều quán đảnh, giống như một chiếc bình đầy được đổ vào một chiếc bình khác. Ngài cũng được ban những chỉ dẫn giải thoát về con đường của nhiều dòng phái.

Đặc biệt, Thangtong đã thọ nhận bài cầu nguyện thực hành quy y bên ngoài, bên trong và bí mật, còn được gọi là “Người Mẹ Vô hạn Như Không gian”. Bài cầu nguyện này đã được Đức Quán Thế Âm Bồ tát trực truyền cho Ka Ngapa với lời dặn, “Hãy trao Pháp này cho hành giả Tsondru Sangpo, người sẽ phổ biến bài cầu nguyện cho tất cả người dân cõi Diêm phù đề. Loại bỏ bệnh tật, ma quỷ và chướng ngại tạm thời của những kẻ vô minh, Tsondru Sangpo sẽ cứu họ khỏi những đau khổ của ba cõi thấp.”

Bài cầu nguyện quy y “Người Mẹ Vô hạn Như Không gian” đã được dùng rất nhiều ở Tây Tạng từ thời Thangtong Gyalpo cho đến tận ngày nay. Bất kỳ ai đọc tụng bản quy y này sẽ nhận được sự gia trì mãnh liệt từ chính Đức Thangtong Gyalpo, xua tan trùng trùng nghịch cảnh, giải thoát khỏi bệnh tật, những ma chướng và chướng ngại ngay ở đây, bây giờ, và bảo vệ chúng sinh khỏi đọa vào các cõi thấp. 

“Con và tất cả chúng sinh hữu tình là cha mẹ nhiều đời của con, nhiều vô biên như không gian.
Chúng con xin quy y Bậc Kim Cương Thượng Sư Quý Báu,
Ngài chính là hiện thân của Đức Phật;
Chúng con xin quy y Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo;
Chúng con xin quy y chư Đạo sư, chư Bổn tôn, và chư Không hành mẫu;
Chúng con xin quy y Pháp thân: tự tâm trống rỗng và sáng tỏ của chúng con.”

“Đến đây thì các con đã hiểu hơn về lối sống điên của Thangtong Gyalpo chưa?” – Zangthalpa nói – “Tất cả hành động của Ngài đều là minh chứng sống động cho cách hành xử ‘hành động bất chợt không trù tính’ của Marpa. Nhưng các con hãy chờ xem, với lối sống như vậy, Thangtong đã để lại được những thành tựu gì cho đời nhé!”

Đọc tiếp Phần 3: Những thành tựu thế gian – Bậc Giác ngộ bận rộn nhất Tây Tạng từ xưa đến nay

Cầu Luding tại Tây Tạng được xây dựng bởi Thangtong Gyalpo hiện là di tích lịch sử, điểm du lịch nổi tiếng

Đặt hàng ngay

Phật lịch 2025 

Địa chỉ
Số lượng
Tổng tiền
0.00
đ

Thông số sản phẩm

Quy cách
Không có
Thông số SP
Không có
Kích thước hộp
Không có
Chất liệu
Không có
Chân đế
Không có
Lò xo
Không có