Zangthalpa – Phần 50: Trao đổi khái niệm

Zangthalpa – Phần 50: Trao đổi khái niệm

Cứ mỗi độ hè sang, đám học trò của Zangthalpa lại tất bật chuẩn bị cho những chuyến du lịch khắp muôn phương cùng thầy. Năm ấy, chuyến đi Nepal và Ấn Độ là một sự kiện trọng đại, ai nấy đều háo hức tìm hiểu về cái nôi của Phật Giáo mà thầy sẽ đưa mình tới tận nơi. Trong lúc mọi người đang rôm rả bàn tán về lịch trình sắp tới thì cậu học trò Ngọc Đức, thường ngày rất sôi nổi, nay bỗng trầm lắng lạ thường. Zangthalpa nhìn Ngọc Đức đầy trìu mến, cất giọng hỏi: “Ngọc Đức, vì sao con suý?”.

Các bạn xung quanh xì xào mách nước cho Ngọc Đức: “Suý là suy tư đấy cậu ạ!”

Ngọc Đức trầm ngâm hồi lâu rồi mới lễ phép thưa: “Thưa thầy, con vừa có một bài học lớn trong đời. Văn Đèn, người anh em của con, người đồng đội của con, người chiến hữu luôn kề vai sát cánh cùng con trong tất cả giải đấu Bóng Trí tuệ đã bỏ con mà đi mất. Từ trước đến nay, trước mặt con, anh ý luôn tỏ ra tôn trọng và khâm phục, mặc dù con nhỏ tuổi hơn. Văn Đèn khen ngợi con không hề giấu diếm trước mặt người khác, nào là bộ óc cầm quân chiến lược, nào là chỗ dựa tinh thần của anh em. Văn Đèn cũng là người thích được khen, chỉ cần khen cho mấy câu là anh ý bốc lên tận mây xanh, thi đấu cực kỳ sung mãn. Thế nên trước và sau mỗi trận đấu, con đều khen Văn Đèn là tay ném tấn công cự phách, là cứu cánh giải nguy cho đồng đội để anh ấy thi đấu tốt, mang lại chiến thắng cho đội của con. Hai anh em cũng thường xuyên tâm sự, vẽ ra viễn cảnh cùng nhau tranh hùng tranh bá trên đấu trường khu vực và thế giới. Con cũng thấy khá là viển vông, nhưng nói để hai anh em cùng sướng, để anh ý khâm phục và yêu quý con hơn thì tội gì không nói. Trong tất cả mọi câu chuyện, con coi anh ấy là người dũng tướng tài ba, còn anh ấy coi con là vị chỉ huy bản lĩnh.”

Zangthalpa gật gù: “Anh em thân thiết như vậy, mà sao anh ấy lại bỏ con đi?”.

Ngọc Đức trả lời: “Con cũng chẳng ngờ được thầy ơi! Chỉ vì một hiểu lầm không đáng có mà Văn Đèn bực tức với con đến mức bỏ đi không để con giải thích một lời. Đau lòng nhất là ngay sau đó, anh Đèn nói với mọi người rằng anh ấy đã khó chịu với con từ lâu lắm, chứ không phải chỉ vì hiểu nhầm lần này mới thế. Chẳng lẽ những gì anh ấy đã từng nói, những lời anh ấy đã từng khen chẳng có ý nghĩa gì sao? Chẳng lẽ “bộ óc chiến lược”, “chỗ dựa tinh thần của anh em”, hay “vị chỉ huy bản lĩnh” mà anh ấy luôn ca ngợi lại thật ra là một kẻ đáng ghét trong mắt anh ấy đến thế sao?”.

Zangthalpa mỉm cười thông cảm: “Ta hiểu tâm trạng của con. Để ta kể cho con nghe một câu chuyện, con sẽ hiểu những lời khen kia, kể cả “người dũng tướng tài ba” hay “vị chỉ huy bản lĩnh” thực sự có ý nghĩa gì. Câu chuyện có tên là “Trao đổi khái niệm”.

Ngày xửa ngày xưa, trên một cõi nọ gọi là Phây Búc, có một cô gái tên Kỳ Liệt, có tấm hình đại diện vô cùng xinh đẹp và đầy chất thơ. Những người quen Kỳ Liệt trên cõi Phây Búc quý cô lắm. Ở cõi này, mỗi người có một ngôi nhà riêng và tự trang trí nhà mình theo sở thích. Tường nhà của Kỳ Liệt toàn những câu chuyện tình cảm, lời thì hay, ý thì đẹp, nên ai cũng hình dung cô là một người phụ nữ tài giỏi, đầy trí tuệ và tình yêu thương. Mọi người dạo qua tường nhà cô đều không tiếc lời khen, hoặc ít nhất là thả lại một trái tim để tỏ lòng mến mộ.

Ngày ngày, cô lang thang trên Phây Búc, vào tường của bất kỳ người nào quen hoặc không quen, để nói những lời khen ngợi, lấy lòng và kết thân với họ. Chỉ cần một vài lời khen xã giao và một vài lời gợi ý là cô đã được người ta mời đi ăn trưa, ăn tối. Kiểu như “Chị Minh Nga có quả đầu mới đẹp thế! Quá rực rỡ luôn. Lâu lâu chị em mình chưa đi ăn trưa nhỉ?”, hay “Anh Minh Canh làm thơ quả là thần sầu! Hôm nào rảnh nhớ rủ em đi ăn tối để em học hỏi nhé!”

Cõi Phây Búc dần dần cũng bớt người muốn giao du với cô. Kỳ Liệt bèn nghĩ ra một cách khác. Cô chỉ cần ngồi trước cửa nhà, đợi cô nàng Pháp Nguyên thích kiếm tiền và du lịch tâm linh đi qua. Biết Pháp Nguyên kiêu ngạo, luôn muốn người khác ca ngợi mình, Kỳ Liệt không hề tiếc lời khen: “Chị Nguyên ơi, sao hôm nay chị xinh thế nhỉ! Em thích mái tóc xoăn của chị quá, rất hợp với khuôn mặt luôn! Thế này thì giai nào mà không xin chết cơ chứ!”

Pháp Nguyên nở cả mặt mũi. Kỳ Liệt lại tiếp: “Không những xinh mà chị còn sành điệu nữa! Cái túi của chị chắc chắn là đắt tiền lắm. Mà người có tiền chưa chắc đã chọn đồ đẹp được như chị!”.

Pháp Nguyên cười ha hả không ngậm được mồm, gật gù đắc ý: “Đúng rồi! Trên đời này hiếm có người nào dám nói ra sự thật một cách công khai giống như em. Em đúng là tri kỷ của chị rồi. Từ ngày mua cái túi mới này, chị đã cố tình giấu, mà em vẫn nhận ra, khá khen cho con mắt tinh đời của em!” Thế là Pháp Nguyên rủ Kỳ Liệt đi ăn một bữa ngon để được nghe khen tiếp cho sướng tai. Được mấy lần như vậy thì Pháp Nguyên đi du lịch tâm linh mất. Kỳ Liệt lại phải đi tìm mục tiêu khác để kiếm ăn.

Anh em cùng ba khác má của Pháp Nguyên là Nhật Nguyên, chuyên buôn khăn bán khố. Kỳ Liệt nghĩ bụng: “Bà Pháp Nguyên tính tình sởi lởi thế thì ông em chắc cũng thoải mái. Thể nào cũng sơ múi được gì!”. Kỳ Liệt bèn mò sang đầu ngõ nhà Nhật Nguyên thì vừa đúng lúc Nhật Nguyên và người bạn Hồng Anh đang từ trong nhà đi ra. Kỳ Liệt dù nhìn Nhật Nguyên chỉ mặc khố và quàng mấy cái khăn làm áo, rõ ràng không phải hạng thừa thãi lắm tiền, nhưng thói lẻo mép khó chừa, nàng mon men đến gần, cầm lấy tay Nhật Nguyên ra điều thân tình lắm: “Ôi giời ơi, Nhật Nguyên à! Em quả là khâm phục gu thời trang của anh. Sao anh lại phối đồ đẹp thế cơ chứ! Màu cái khăn xanh này chắc chắn là màu của trí tuệ. Ôi may quá! Vừa đi ra đường gặp ngay người có trí tuệ!!!”.

Nhật Nguyên thốt lên đắc ý: “Em đúng là người anh em thiện lành của anh. Gu thời trang của anh được bỏ công nghiên cứu từ xu hướng khắp nơi, đông tây kim cổ. Chiếc khăn này làm từ tơ sen. Tơ sen được lấy từ cuống sen, là công nghệ sợi mới nhất hiện nay. Hồng Anh, con sen của cậu! Mang ngay con gà buổi sáng ra quay mời cô gái tinh tế này!”.

Nhật Nguyên vừa vuốt khăn vừa hỏi: “Em có biết để làm ra chiếc khăn dài 1,7m bằng tơ sen phải cần có bao nhiêu cuống sen không?”.

Không cần đợi Kỳ Liệt trả lời, Nhật Nguyên giọng đầy tự tin dõng dạc nói tiếp: “Chiếc khăn này phải mất ngót nghét 5000 cuống sen. Một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200 đến 250 cuống. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất đến một tháng trời đấy!”.

Kỳ Liệt chẳng thèm quan tâm chiếc khăn kỳ diệu thế nào, chỉ cần nghe đến gà quay là nước miếng đã tứa đầy mồm, nghĩ bụng: “Anh này đúng là có gien của chị Pháp Nguyên thật. Khen mỗi một câu mà đã được hẳn con gà quay rồi. Bây giờ mình muốn có thêm cả tráng miệng nữa. Để khen thêm mấy câu xem sao.” Bèn tiếp lời: “Nhật Nguyên ơi, có ai nói với anh là anh rất đẹp trai chưa? Vẻ đẹp trai của anh rất là từ bi ý! Sao trên đời lại có người vừa có trí tuệ vừa có cả từ bi như anh được nhỉ! Người như anh thì cả trai cả gái đều mê mẩn mất thôi!”.

Nhật Nguyên cười tươi như hoa: “Chuẩn không cần chỉnh rồi! Em thật hiểu anh. Hồng Anh, vào nhà mang chùm nho Mỹ ra để ăn gà xong Kỳ Liệt tráng miệng nhé!”.

Nhật Nguyên và Kỳ Liệt say sưa trao đổi khái niệm với nhau

Kỳ Liệt càng sướng, nghĩ ăn xong tráng miệng thì phải có gì nữa chứ. Kỳ Liệt nhìn Nhật Nguyên xem còn gì để khen nữa không. Tìm mãi mà chỉ thấy cái khố cộc với cái khăn xanh. May quá, Kỳ Liệt để ý thấy Nhật Nguyên đeo vòng đá lấp lánh ở cổ tay, bèn nói: “Wow! Sao cái vòng của anh phát ra năng lượng kỳ diệu thế. Mạnh thật đấy, người mang cái vòng năng lượng cao thế này thì trình độ tâm linh phải xịn lắm đây. Đúng là quý vật tầm quý nhân.”

Nhật Nguyên cười sung sướng, lại giục: “Hồng Anh, Hồng Anh, trong nhà còn mấy hộp kem caramen mang hết ra đây, mang hết ra cho Kỳ Liệt ăn.”

Kỳ Liệt cười tít mắt. Nhật Nguyên bèn bảo: “Thôi đến giờ anh đi bán hàng rồi. Em cứ ở đây mà hưởng, anh đi nhé”, thế là Nhật Nguyên đi mất. Còn Hồng Anh chạy vào nhà.

Kỳ Liệt ngồi chờ ở cửa. 15 phút, nửa tiếng, rồi một giờ trôi qua. Chờ mãi mà chẳng thấy Hồng Anh mang gì cho mình hết. Kỳ Liệt sốt ruột nhưng nghĩ tới gà quay, nho Mỹ, và kem caramen lại cố ngồi chờ. Một tiếng nữa trôi qua mà Hồng Anh vẫn bặt vô âm tín. Bụng đói meo, Kỳ Liệt nghĩ bụng: “Sao Hồng Anh chuẩn bị đồ ăn lâu thế nhỉ? Chắc con gà phải to lắm đây, nên quay mới lâu như thế.”

Ngồi đợi đến quá giờ trưa, mà vẫn chẳng thấy tăm hơi gì, Kỳ Liệt đói quá đành phải mò ra chợ tìm đến sạp bán khăn của Nhật Nguyên: “Anh ơi, anh nhắc Hồng Anh thế nào đi chứ. Em chờ mãi chẳng thấy bạn ý mang gà quay, nho Mỹ, hay kem caramen cho em gì cả!”.  

Nhật Nguyên sửng sốt hỏi: “Ủa, anh đã đưa hết cho em rồi còn đâu nữa?”.

Kỳ Liệt vừa đói vừa giận, nay lại còn được Nhật Nguyên thêm dầu vào lửa, mặt cô đỏ bừng lên: “Ơ kìa! Anh thì chỉ nói mấy câu rồi bỏ đi luôn, còn Hồng Anh chạy vào nhà mãi có thấy mang gì ra đâu?”. Cô nghĩ bụng: “Hay là con bé Hồng Anh tham ăn đã ăn hết chỗ thức ăn ngon lành đó một mình rồi, nên mình đợi mãi mà không thấy ra mặt nữa!”.

Nghe xôn xao lớn tiếng ở sạp khăn, người dân trong chợ không khỏi tò mò xúm đến. Lúc này, vừa tiếc, vừa tức, Kỳ Liệt không giấu nổi vẻ hậm hực để giữ hình ảnh tử tế trước mặt dân làng nữa.

Nhật Nguyên thì vẫn cười và nói: “Em yêu quý ơi! Khi nhìn thấy anh, em cho anh những lời hay ý đẹp, đúng không? Thì anh cũng cho lại em những lời đẹp ý hay. Thế là mình hoà nhau, mình có nợ nhau cái gì đâu. Em cho anh những lời khen sáo rỗng thì anh cũng cho em những lời nói suông. Cũng công bằng và vui vẻ như trẻ con chơi đồ hàng vậy, bác đưa cho tôi hai đồng, thì tôi bán cho bác bát cháo. Mà thực ra, chẳng hề có đồng tiền, hay bát cháo nào ở đó cả. Trong nhà anh làm gì có gà, làm gì có nho, làm gì có caramen. Em hỏi Hồng Anh mà xem. Anh nghèo kiết xác. Anh chỉ có những lời nói để trả lại cho xứng với những lời khen của em mà thôi.”  

Kỳ Liệt vẫn còn thấy ù ù bên tai, chưa kịp hiểu gì cả. Nhật Nguyên nói tiếp: “Em thử nghĩ xem. Trí tuệ là gì? Có phải là một khái niệm không? Từ bi là gì? Chỉ là một khái niệm nữa. Trình độ tâm linh cao cấp là gì? Cũng là một khái niệm nốt. Trí tuệ đâu? Từ bi đâu? Trình độ tâm linh cao cấp đâu? Em đưa đây cho anh xem nào!”

“Không có đúng không? Vậy mà em lại muốn có được gà, được nho, được caramen thật. Anh cảm ơn em vì đống khái niệm em tặng cho anh. Vì thế anh cũng tặng lại em một đống các khái niệm khác. Em tặng anh khái niệm trí tuệ, thì anh tặng em khái niệm gà quay. Em tặng anh khái niệm từ bi, thì anh tặng em khái niệm nho Mỹ. Em tặng anh khái niệm trình độ tâm linh cao cấp, thì em nhận lại khái niệm kem caramen béo ngọt. Có phải khái niệm đổi khái niệm không? Đẹp chưa? Đều chưa?”.

Nghe đến đây, người dân làng hiếu kỳ rộ lên với những tràng cười châm biếm. Kỳ Liệt xấu hổ vô cùng. Cứ tưởng phỉnh phờ được Nhật Nguyên, ai ngờ gậy ông đập lưng ông. Nhật Nguyên không những không mắc bẫy, mà còn dạy cho Kỳ Liệt phải biết cảm giác đau đớn khi bị lừa là như thế nào. Cô mất hết thể diện và uy tín khi cảnh bắt bài này được miêu tả chi tiết trên tường nhà cõi Phây Búc của rất nhiều người dân, lại còn được chia sẻ bởi rất nhiều người nữa.

Kể từ ấy, người dân trong cõi Phây Búc không còn ai muốn tin tưởng lời nói của Kỳ Liệt nữa. Những người nhẹ dạ đã từng giúp đỡ và cho cô ăn thì cảm thấy vô cùng tổn thương, và tuyên bố tuyệt giao với cô. Ván bài giờ đã lật ngửa, người ta không còn thấy Kỳ Liệt giả vờ khen ngợi để ăn chực ai được nữa. Cô hết sức ân hận, và nhận ra những lời nói dù đẹp đẽ, nhưng với động cơ không trong sáng, thì rốt cuộc sẽ không thể mang lại kết quả tốt lành.

Zangthalpa ngừng lại. Ngọc Đức lúc đầu còn buồn thiu, giờ đã có thể nở nụ cười: “Con thấy con và Văn Đèn cũng chẳng khác gì Nhật Nguyên với Kỳ Liệt ở trong truyện thầy ạ. Đúng là khi nói chuyện, con rất hay tâng bốc Văn Đèn để cổ vũ tinh thần thi đấu của anh ấy. Nhiều lúc biết rõ là đang nói những lời quá lên không đúng sự thật, nhưng vẫn nói. Con nghĩ nếu khen để khiến đội mình chiến thắng, khiến mình có vinh quang thì tiếc gì mà không khen mấy lời cho người ta sướng.

“Con cho đi những lời không thật, thì con nhận lại những lời khen ngợi sáo rỗng trước mặt mọi người. Con tặng Văn Đèn khái niệm “người dũng tướng tài ba” thì con nhận lại khái niệm “vị chỉ huy bản lĩnh”. Con ca ngợi Văn Đèn là “tay ném tấn công cự phách”, thì anh ấy tâng bốc con là “bộ óc cầm quân chiến lược”. Con khen ngợi như thể anh ấy là “cứu cánh giải nguy cho đồng đội”, thì anh ấy khẳng định vị trí của con là “chỗ dựa tinh thần của anh em”. Tất cả chỉ là khái niệm thôi nhưng con lại tin vào những khái niệm ấy và muốn gán những khái niệm tốt đẹp lên mình. Thế nên khi khái niệm thay đổi thì mới làm con khổ đến vậy!”

Zangthalpa gật đầu nói tiếp: “Qua chuyện này con có ba bài học. Thứ nhất, nếu con cho đi sự giả dối, con sẽ chỉ nhận được giả dối. Nếu con tặng người ta những lời khen sáo rỗng, không thật với lòng mình, thì con sẽ nhận lại những lời tâng bốc bề mặt, không bao giờ con có được tình cảm thật sự của người ta hết. Con cứ tưởng là phỉnh phờ được Văn Đèn, thực ra chính con đang bị phỉnh phờ mà không biết.

Thứ hai, con cần xem xét động cơ của mình trước khi nói bất kỳ điều gì. Động cơ là vì tôi hay vì người khác? Đôi lúc các con cứ thoả sức nói những lời sáo rỗng vì nghĩ rằng chúng vô hại. Nhưng tất cả những lời nói, kể cả những lời khen, với động cơ vì mình chứ không vì người khác thì chẳng tốt đẹp gì. Những lời đó chỉ để phục vụ cái tôi ích kỷ của các con mà thôi. Trong trường hợp của Ngọc Đức, con khen ngợi Văn Đèn đâu phải vì Văn Đèn, mà chỉ để đội của con chiến thắng, để con có vinh quang. Nếu Văn Đèn ở trong một đội khác thì con có tiếp tục khen ngợi và cổ vũ Văn Đèn như vậy nữa không? Một lời khen chỉ để phục vụ cái tôi thì lời khen đó cũng không đáng được nói ra. Và nhân quả sẽ quay lại với chính con. Con khen những lời không thật chỉ để con có vinh quang chiến thắng, thì cuối cùng con sẽ chỉ nhận được thất bại mà thôi.

Điểm thứ ba Ngọc Đức cần rút kinh nghiệm là con quá muốn tin vào những lời người khác ca ngợi mình. Khi được ca ngợi, cái tôi mù quáng sẽ khiến con thiếu tinh tế khi quan sát. Con sẽ không đủ nhạy cảm để hiểu Văn Đèn thực sự nghĩ gì, con chỉ say sưa với những lời ca tụng tận trên mây mà mất đi sự tỉnh táo để nhìn nhận tình hình thực tế, và không thấu hiểu được người khác. Chính vì thế, con ca ngợi Văn Đèn, nghe những lời khen ngợi từ Văn Đèn nhưng lại không hề hiểu gì về bạn mình và chính mình cả. Nếu con cứ say sưa như vậy, thì đến một ngày con vỡ mộng là chuyện đương nhiên. Đây thực sự là một bài học quý cho con!”.

Ngọc Đức hối lỗi: “Con biết lỗi của mình rồi, vậy bây giờ mỗi lần được khen, thái độ của con nên như thế nào ạ?”

Zangthalpa mỉm cười: “Người dũng tướng tài ba là một khái niệm, mà vị chỉ huy bản lĩnh cũng chỉ là khái niệm thôi. Các khái niệm này chỉ là tưởng tượng, chẳng hề có trong thực tại. Vấn đề của con là tin chúng là thật, bám chấp vào những khái niệm con thích, muốn là “vị dũng tướng tài ba” mãi, hay ghét bỏ những khái niệm con không thích. Thế nên những khái niệm này mới có thể làm khổ con đến vậy. Ngay khi con nghe được là Văn Đèn đã khó chịu với con từ lâu, lập tức con có khái niệm Văn Đèn, khái niệm chiến hữu, khái niệm con, khái niệm khó chịu, khái niệm nói xấu, … rồi ngay lúc ấy con tin rằng toàn bộ đống khái niệm ấy đang hiển hiện trong thực tại và tồn tại hoàn toàn độc lập với suy nghĩ của con. Chỉ cần nhận ra chúng là khái niệm là con đã thoát khỏi những khái niệm này rồi. Không tin vào chúng nữa thì các khái niệm ấy hoàn toàn mất sức mạnh đối với con!”

Ngọc Đức vẫn thắc mắc: “Con đồng ý là những gì con hay Văn Đèn nói ra đều là khái niệm. Nhưng như thầy nói thì ngay cả con và Văn Đèn cũng là khái niệm thôi sao?”

Zangthalpa bật cười thành tiếng: “Con, Văn Đèn, tất cả các vật mà con tưởng là kinh nghiệm được, hay toàn bộ thế giới này đều chỉ là khái niệm mà thôi.”

Thấy đám học trò vẫn còn ngơ ngác chưa hiểu gì cả, Zangthalpa liền giảng một bài Pháp từ sáng tới tận chiều hôm về sự thực toàn bộ thế giới này hoàn toàn được xây dựng bởi khái niệm mà không có gì thực sự tồn tại. Đám học trò say sưa nghe thầy giảng Pháp, có người còn bật khóc khi nhận ra những đau khổ mình từng tin là có thật, thực ra không hề tồn tại, giải thoát khỏi bao vô minh nhầm lẫn bấy lâu nay. Mặt trời chiều hè cứ lưu luyến mãi, nghe đến hết bài giảng của thầy Zangthalpa mới chịu rời đi, để lại bầu trời hoàng hôn bừng lên rạng rỡ với những áng mây hồng tuyệt đẹp.

(Trong Suốt kể tại Hà Nội tháng 8/2018)

(Còn tiếp)

Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 51: Thánh sư điên Thangtong Gyalpo – P1: Kẻ Điên Ở Đồng Bằng Trống Không

Đặt hàng ngay

Phật lịch 2025 

Địa chỉ
Số lượng
Tổng tiền
0.00
đ

Thông số sản phẩm

Quy cách
Không có
Thông số SP
Không có
Kích thước hộp
Không có
Chất liệu
Không có
Chân đế
Không có
Lò xo
Không có