Bạn có cho rằng làm người khác hài lòng là điều đúng? Thậm chí hy sinh hạnh phúc của bản thân, làm trái mong muốn của mình để họ vui lòng là điều nên làm? Nếu bạn gật đầu với cả hai câu hỏi này thì có lẽ ẩn dưới những việc bạn làm là một nỗi sợ mà lâu nay bạn không hề hay biết.
1. Bắc – Trung – Nam, người miền nào sợ mất lòng nhất?
Thầy Trong Suốt: Đặc điểm của người Sài Gòn là “thực dụng”. Thực dụng nên được việc, mà mất lòng thì mất thôi! Người Sài Gòn không bị kiểu: “Bởi vì hàng xóm của nhau nhiều năm, nên tôi sợ mất lòng anh” – họ không ngại điều đó vì nó không thực dụng, đơn giản thế thôi! Hoặc nếu vì hiệu quả mà mất lòng, thì mất lòng ngay. Họ sống thoải mái nên họ không ngại.
Đặc điểm của miền Bắc là “không sợ ai hết”, vì họ hàng hang hốc thế nào cũng có người làm quan. Không sợ ai nên không sợ mất lòng. Thế còn miền nào ngại mất lòng nhất ạ?
Một bạn: Người miền Trung ạ!
Thầy Trong Suốt: Tại sao người miền Trung lại ngại mất lòng người khác nhất?
Ở đây người Đà Nẵng là chính đúng không? Tại sao người miền Trung nói chung, người Đà Nẵng nói riêng lại ngại làm người khác mất lòng nhất?
Bác Sáu: Thích an phận, thích hoà bình.
Bạn Long: Em nghĩ điều gì chúng ta tự hào nhất thì chúng ta dễ bị tổn thương nhất. Người miền Trung chúng ta tự hào chúng ta là những con người sống tình cảm đậm đà, chúng ta sẽ dễ bị tổn thương ở tình cảm đậm đà.
Thầy Trong Suốt: Theo em vì người miền Trung tự hào nhất là tình cảm đậm đà, đúng không? Nên dễ tổn thương nhất ở tình cảm, ý cũng hay đấy! “Đậm đà như người miền Trung”, có câu hát đúng không? Đậm đà như bia Huda, do Quang Linh hát đúng không? (Cười) Tình cảm đậm đà, tự hào nhất là tình cảm nên rất dễ sợ mất tình cảm. Ý tưởng đó tốt đấy.
Một bạn: Em nghĩ họ mong muốn bản thân mình luôn đẹp trong mắt người khác.
Thầy Trong Suốt: Muốn đẹp trong mắt người khác, người miền Trung yêu cái đẹp. Thích mình đẹp trong mắt người khác, nên sợ mất lòng.
Khi mình mất lòng người khác, tức là mình không còn đẹp trong mắt họ nữa. Được, cũng là một ý tưởng hay. Tâm có ý tưởng gì không?
Bạn Tâm: Dạ, em nghĩ là sợ làm người khác buồn.
Thầy Trong Suốt: À, người miền Trung rất là dịu dàng đúng không? Sợ làm người khác buồn.
Bạn Tâm: Sợ mình mất mặt trước gia đình
Thầy Trong Suốt: À! Sợ mất mặt. Mặt em to kia mất thế nào được mà vẫn sợ mất! (Mọi người cười) Chuẩn, mặt thì không mất được, nhưng vẫn sợ mất mặt với ai?
Bạn Tâm: Gia đình, bạn bè, hàng xóm.
Một bạn: Chưa đúng lắm.
Thầy Trong Suốt: Không đúng phần nào? (Mọi người im lặng suy nghĩ)
Lý do gì thì lý do, cuối cùng ở đây bao nhiêu người ngại mất lòng người khác, giơ tay ạ? Biết điều ấy nói ra là đúng rồi, nhưng mà ngại mất lòng nên không nói nữa, đấy gọi là ngại mất lòng đấy. Bao nhiêu người ạ? Một, hai… đông quá nhỉ, bảy, tám, chín, phải… chắc phải 60% – 70% ở đây đúng không ạ?
Những người còn lại thì sao ạ? Không ngại mất lòng? “Phang” thẳng vào mặt luôn? (Mọi người cười) Bao nhiêu người “phang” thẳng vào mặt giơ tay ạ? Một, hai, ba, bảy, tám, chín, ít thế à? Em “phang” thẳng vào mặt à?
Bạn đó: Em nghĩ không thể chia ra là phang thẳng vào mặt và không phang thẳng vào mặt được. (Thầy cười) Từ nãy giờ nghe thì em cũng công nhận con người có thể có một số đặc điểm giống nhau, nhưng để nói người miền Trung có sợ mất lòng hay không, em thấy câu hỏi quá chung chung và em không thể phân định được,vì em nghĩ dựa trên mức của từng người.
Ví dụ có nhiều người cho dù họ có bị thiệt hại về bản thân họ, họ vẫn sẵn sàng kìm nén điều đó và nhận cái phần thiệt về mình, hay họ không nói ra hoặc chọn cách giải quyết khác, nói ra ở chỗ khác, ví dụ nói sau lưng chẳng hạn.
Còn một số người sẽ chọn nhìn thẳng vào vấn đề, gặp và giải quyết trực tiếp. Hoặc dựa trên mối quan hệ, từ người, việc đó có đáng để em phải trả giá ở mức độ nào. Cho nên đối với em không hẳn là phang thẳng vào mặt…Em chọn cách là em sẽ giải quyết.
Thầy Trong Suốt: Nghĩa là em không phang chứ gì, em chỉ…
Bạn đó: Có thể em đã từng gặp rất nhiều trường hợp này tới mức là… em sẽ chọn cách im lặng. Vì thật sự áp lực từ gia đình, em sẽ chọn cách im lặng nhưng sau đó trong quá trình lớn lên, em thấy rằng nếu như mình không nói ra vì người ta không đứng ở vị trí của mình nên người ta không biết, chứ không phải vì người ta cố ý người ta không hiểu. Cho nên nói ra cũng là cách để cho hai bên cùng hiểu nhau. Sau khi nói ra thì mối quan hệ thường phát triển tốt đẹp hơn.
Thầy Trong Suốt: Rất hay! Bạn ấy có ý rất đúng. Thật ra gọi miền Trung cho vui vậy thôi, nói chung người Việt Nam mình sợ mất lòng, đúng chưa? Người Việt Nam nói chung, tức là mỗi miền ít hơn hay nhiều hơn một chút thôi, còn tùy quan điểm cá nhân.
2. Bạn ngại làm mất lòng ai nhất?
Thầy Trong Suốt: Với các bạn ở đây thì ai, đối tượng nào các bạn ngại mất lòng nhất? Một là bố mẹ, hai là người yêu, ba là họ hàng, bốn là bạn bè. Trong bốn đối tượng đấy, mọi người ngại mất lòng nhất với đối tượng nào?
Bao nhiêu người thuộc tuýp ngại mất lòng bố mẹ nhất giơ tay ạ. Một, hai, ba, bốn… ít thế ạ? Cứ tưởng người Đà Nẵng phải có hiếu lắm cơ mà, mọi người ở đây không ngại mất lòng bố mẹ ạ? Thế hệ mới đúng không?
Một bạn: Dạ, em nghĩ do bố mẹ hiểu mình hơn nên không ngại làm mất lòng bố mẹ.
Thầy Trong Suốt: Không ngại mất lòng bố mẹ? Nếu có việc gì sẵn sàng nói luôn.
Bạn đó: Dạ.
Thầy Trong Suốt: Wow, những người con miền Trung kiên cường bất khuất, không ngại mất lòng bố mẹ luôn. Rồi, bao nhiêu người ngại mất lòng người yêu ạ, chồng, vợ đấy? Không dám nói thẳng ra gọi là ngại mất lòng đấy. Có hai người sợ mất lòng người yêu thôi?
Bao nhiêu người ngại mất lòng bạn bè ạ? A, bây giờ thấy điểm yếu rồi. Có vẻ người Đà Nẵng ngại mất lòng bạn bè.
Bao nhiêu người ngại mất lòng họ hàng ạ?
Hai, ba, bốn… ít thế ạ? Em, cho anh biết lý do vì sao em ngại mất lòng bố mẹ, họ hàng? Bằng chứng ở đâu?
Bạn được hỏi: Vì họ hàng cũng gần nhưng không gần gũi bằng bố mẹ. Nếu mình mất lòng họ thì kiểu như mắng vốn ba mẹ ấy, cho nên thấy rất kỳ. Nhưng em nghĩ trong gia đình, có gì nói với ba mẹ vẫn dễ hơn. Có nghĩa là bất đồng thì giải quyết trong gia đình cũng dễ hơn, chứ còn họ hàng tuy gần mà cũng như xa, nên có mất lòng thì khó giải quyết
Thầy Trong Suốt: Hoá ra bạn sống để làm hài lòng ai? Mình ngại làm mất lòng bạn bè nghĩa là mình sống để làm hài lòng ai?
Mình sợ mất lòng bạn bè nhất thì đấy là dấu hiệu rõ nhất là mình đang sống để làm hài lòng bạn bè, có bốn người sống để làm hài lòng bố mẹ, có bốn người sống để làm hài lòng họ hàng. Có bốn, năm người sống để làm hài lòng người yêu, người thương của mình. Còn lại hầu như mọi người sống để làm hài lòng… bạn bè. A, hóa ra là như vậy.
Mọi người nghe có giống giống mình không ạ? Bao nhiêu người thấy giống mình, mình sống để làm hài lòng bạn bè giơ tay ạ? (Ít người giơ tay)
Ồ như vậy các bạn sống để làm hài lòng ai? Mọi người thử nghĩ xem một lúc rồi trả lời xem. Các bạn sống để làm hài lòng ai?
Một bạn: Hài lòng bố mẹ.
Thầy Trong Suốt: Rất dũng cảm. Bao nhiêu người cảm thấy đồng cảm giơ tay ạ. Sống để làm hài lòng bố mẹ. Được, khá đông đấy.
Bao nhiêu người sống để làm hài lòng bạn bè mình ạ? Bao nhiêu người sống để hài lòng người yêu mình? Không dám giơ tay à? (Mọi người cười) Xấu hổ quá đúng không ạ?
Bao nhiêu người sống để hài lòng họ hàng cô bác mình? Không. Rồi, thế còn những người còn lại thì sao ạ? Mình sống để hài lòng ai ạ?
Một bạn: Tất cả mọi người.
Thầy Trong Suốt: Tất cả mọi người à? (Mọi người cười) Quá hay, theo quan điểm của các bạn thì câu trả lời đó quá đúng hay quá sai ạ? Sống để làm hài lòng tất cả mọi người?
Một bạn nam: Quá đúng.
Một bạn khác: Thấy hơi hơi đúng.
Thầy Trong Suốt: Một người có câu trả lời rất gây sốc. Đấy, anh hãy phát biểu xem tại sao anh lại cho rằng sống để làm hài lòng tất cả mọi người ạ.
Bạn nam đó: Tại theo em biết thì hồi nhỏ tới giờ, sống cố gắng đóng vai người tốt hay sao mà thích làm hài lòng mọi người, tất cả hàng xóm, họ hàng rồi bạn bè. Lúc nào cũng muốn giúp đỡ mọi người, nếu mọi người cần thiết chi đó thì em sẵn sàng làm. Vợ cũng rất bực mình về cái chuyện mình cứ lúc nào cũng cứ tỏ ra người tốt, nhưng thật sự mình thích như rứa.
Ví dụ như thích nấu ăn, mọi người tới ăn khen ngon mình thấy vui, sướng. Còn về bà con mỗi lần ai đau thì mình muốn tới thăm trước, hỏi han, kể chuyện. Hồi nhỏ giờ em rứa rồi, chứ đâu biết đâu.
Thầy Trong Suốt: (Cười) Trong khoảng một trăm người như thế thì khoảng bao nhiêu người mình thực lòng muốn làm?
Bạn đó: Nói thật sự thì muốn làm hết.
Thầy Trong Suốt: Wow! Mọi người có đồng ý không ạ? Bao nhiêu người thấy giống mình? “Đúng là kiểu của mình rồi, mình thích làm hài lòng tất cả mọi người vì mình thực lòng như thế”.
Bao nhiêu người thuộc trường phái là mình muốn làm hài lòng tất cả mọi người vì “Mình không thực lòng lắm đâu, nhưng hoàn cảnh xô đẩy mình phải làm như thế.”. À, đông đấy. Wow! Quá đông luôn. Hoá ra là mọi người không thực lòng lắm đúng không ạ? Mà lý do là hoàn cảnh xô đẩy. Hoàn cảnh nào xô đẩy mình phải làm như thế ạ?
Bạn nam: Hôm em đến nhà bác chơi thì không thích lắm, nhưng sợ bị la, chửi, bố mẹ buồn.
Thầy Trong Suốt: À, bố mẹ xô đẩy đấy, sợ bố mẹ buồn. Rồi, rất tốt. Em nói xem nào.
Bạn nữ được hỏi: Ví dụ như em không thích bạn làm chung vì trường phái khác em, kiểu chơi rất khác nhau. Nhưng khi có tiệc tùng hoặc chi đó, người ta mời mình, mình thực sự trong lòng mình không muốn đi với họ đâu, nhưng vì đồng nghiệp, hầu như thời gian mình dành cho họ rất nhiều nên mình phải đi thôi.
Thầy Trong Suốt: Đi, không thôi họ đánh giá đúng không?
Bạn đó: Dạ,mặc dù trong lòng mình không muốn đi.
Thầy Trong Suốt: Rồi, rất tốt! Đấy, đấy là một ví dụ tốt. Còn ai có ví dụ khác nữa không ạ?
Một bạn nữ: Có đôi khi mình ở trong một gia đình, quan trọng nhất đó là việc bảo vệ gia đình mình. Cho nên mình phải bỏ cái tôi của mình xuống, hoặc phải hy sinh cá nhân để bảo vệ danh dự.
Thầy Trong Suốt: Bảo vệ danh dự. Rất hay. “Tôi không muốn làm lắm nhưng tôi vẫn làm để tôi bảo vệ danh dự gia đình. Nếu tôi không làm thì danh dự gia đình sẽ giảm thảm hại.” Đúng không ạ? Danh dự gia đình cụ thể trong trường hợp của em là chuyện gì, danh dự gì? Nếu tôi không muốn lấy chồng thì danh dự gia đình tôi chịu sự tổn hại gì?
Bạn đó: Dạ, gia đình em nổi tiếng về gia giáo, khi mình đi chơi với bạn bè hay như thế nào đó, mình có thể show (thể hiện) con người hơi khùng, hơi điên cũng được. Nhưng đi chơi với người lớn, mình phải thể hiện mình là người đã được giáo dục từ nhỏ, là thục nữ.
Thầy Trong Suốt: A, rồi. Đi chơi với họ hàng mình phải yểu điệu đúng không? Đi nhẹ nói khẽ đúng không? Cười không được hở răng, (mọi người cười) mỉm cười thôi đúng không? Được. Em có thật tâm muốn thế không? Hay dòng đời xô đẩy làm em phải mỉm cười?
Bạn đó: Dạ, dòng đời xô đẩy.
Thầy Trong Suốt: Rồi, ví dụ rất tốt, mình không muốn lắm nhưng dòng đời xô đẩy. Ai có ví dụ khác không ạ?
Hạnh Nguyên: Dạ em ví dụ chuyện ngày hôm qua. Công ty em tổng kết, xong hết rồi thì chiều cả công ty sẽ chung lại để mời sếp, mà mọi người lại chọn một quán ăn hải sản tươi sống. Em không thích món đó, với lại em cũng không thích những cuộc bia rượu rồi nhảy múa ồn ào. Mà vì em sợ mọi người trong công ty sẽ nói : “Nhận tiền thưởng xong rồi mà không đãi sếp” hoặc “Tổng kết công ty như vậy mà…”. Nói chung là em làm một việc mà em không thích để làm hài lòng mọi người.
Thầy Trong Suốt: Em có thấy hài lòng khi đi cuộc đấy không?
Hạnh Nguyên: Dạ không.
Thầy Trong Suốt: Không thoải mái đúng không?
Hạnh Nguyên: Dạ không.
Thầy Trong Suốt: Nhưng do…
Hạnh Nguyên: Hoàn cảnh xô đẩy.
Thầy Trong Suốt: …dòng đời xô đẩy. Được, có vẻ đúng với tâm sự nhiều người vừa giơ tay.
3. Tại sao chúng ta cứ phải giả vờ đóng vai để làm hài lòng người khác?
Một bạn nữ: Em làm lớp trưởng, đôi khi có kiểu lớp mình chia ra hai, ba phe để chơi với nhau. Đôi khi em phổ biến một cái gì đó thôi, sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau. Rồi để ý mình theo phe này hoặc mình theo phe kia, bắt đầu những ý kiến đó chĩa vào mình. Rồi bênh bên này, bênh bên kia. Cho nên khi làm lớp trưởng thì mình phải hiểu và sống hoà đồng với tất cả mọi người, trong mắt ai thì mình cũng ở giữa, là người trung lập nhất để khi mà người ta nhìn vào. Khi mình giải quyết vấn đề gì, người ta biết mình là người trung thực, thì mình mới giải quyết được vấn đề.
Thầy Trong Suốt: Giống Đường Tăng chứ gì? Có xem phim Tây Du Ký không?
Đường Tăng có mấy học trò ấy. Bạch Cốt Tinh mới biến thành một bà già đi qua, thế là Tôn Ngộ Không xông vào đánh. Mọi người xem bộ phim đấy chưa nhỉ? Phim Đường Tăng đi lấy Kinh – “Mối tình ngoại truyện”.
Tóm lại trên đời này có những người mà người ta gọi là ba phải, thấy ai nói cũng đúng hết. Người ba phải rất được sự hài lòng từ mọi người, người ta nói là đúng rồi: “Thưa Sư phụ chúng ta phải đánh, phải đánh đến sào huyệt của quân địch” – “Đồng ý”, thế là đồng ý ngay. Có người bàn: “Nhưng đánh xong nguy hiểm lắm, mà chúng ta nên từ bi tha cho nó”, cũng “Đồng ý” Xong một lúc sau có người bảo: “Thôi, hay là trước mắt tám trăm dặm núi lửa, chúng ta chia hành lý đi về”, cũng…
Mọi người: Đồng ý!
Thầy Trong Suốt: …“Đồng ý” Lại một người khác bảo: “Không được, đi lấy Kinh làm sao quay về được, chúng ta phải xuyên qua núi lửa”, cũng…
Mọi người: Đồng ý!
Thầy Trong Suốt: …“Đồng ý” – Hài lòng tất cả mọi người. Theo em thấy có sướng không? Ai cũng hài lòng với mình hết, vì mình đồng ý với tất cả mọi người mà. Em thấy thích không? Vì sao?
Một bạn nữ: Em nghĩ nếu như mình rơi vào cái hoàn cảnh khi bị áp lực từ phía ngoài vào, lúc nào cũng kiểu là tự giải quyết với nhau thôi. Nói chuyện với ba mẹ hoặc giải quyết với ba mẹ. Nghĩa là chỉ dựa vào tự tay, rồi tự giải quyết vấn đề, chủ yếu phía trong thôi, không để cho người khác biết: “À mình sống như vậy, sống ít nhiều chịu áp lực như vậy”, nên như vậy kiểu rất khó sống.
Thầy Trong Suốt: Không thoải mái đúng không? Thật ra mình đi chiều người khác nhưng cái điều đấy nó trái với mong muốn của mình, thì liệu mình có hạnh phúc được không?
Bạn đó: Đa số là không.
Thầy Trong Suốt: Nói chung là không. Thế nhưng tại sao mình cứ làm nhiều như vậy?
Bạn Phong: Đóng vai người tốt.
Thầy Trong Suốt: À, hay đấy, toàn những câu nói hay, đóng vai người tốt. Giống bạn này đóng vai yểu điệu thục nữ. Trong khi bản chất của mình có phải thục nữ không?
Bạn nữ đó: Dạ tuỳ trường hợp em mới có những cái mặt khác ạ, đấy là mình linh động với hoàn cảnh.
Thầy Trong Suốt: Tự em nghĩ đi, bản chất của em có phải là một yểu điệu thục nữ không? Hoặc bạn bên cạnh đi, bạn nào quen em ở đây này, ở đây có ai quen em không? Em có thấy bạn ấy yểu điệu thục nữ không?
Bạn của bạn nữ: Dạ, bạn đó? Dạ không.
Thầy Trong Suốt: Không luôn. Đấy!
Bạn của bạn nữ: Rất là thật và thẳng thắn, thẳng tính.
Thầy Trong Suốt: Nhưng phải đóng vai đúng không? Ở đây chúng ta có rất nhiều các bạn còn rất trẻ. Ở đây có bạn nào cảm thấy không thoải mái khi phải đóng vai một người khác không ạ? Giả làm người khác, để làm hài lòng một ai đó? Wow, rất nhiều luôn, hầu như tất cả mọi người luôn.
Tại sao chúng ta cứ phải giả vờ làm người khác để làm hài lòng người khác? Chúng ta giả làm yểu điệu thục nữ để hài lòng bố mẹ. Chúng ta đóng vai người tốt để hài lòng ai bây giờ? Xã hội. Chúng ta đóng vai lớp trưởng gương mẫu để hài lòng lớp viên. Chúng ta đóng vai người con nghe lời bố mẹ, trong khi thực chất thì không phải.
Một bạn nam: Theo em có thể vì mình quý những người đó, coi những người đó giống như một phần cuộc sống của mình ấy. Nhiều khi mất họ, cuộc sống của mình sẽ mất một phần ý nghĩa. Em không dám đánh mất những mối quan hệ đó.
Thầy Trong Suốt: Rồi, hay, câu trả lời rất hay. Bạn ấy nói “bởi vì em rất ngại, không muốn mất đi mối quan hệ đấy” đúng không? Thế các em có thể nói một từ, dùng một từ khác, các em làm thế vì Sợ. Tôi làm hài lòng người khác là vì sợ. Đúng không? Sợ mất đi quan hệ là sợ đấy. Em vừa nói, chính em phát biểu đấy. Em sợ mất đi một mối quan hệ tốt. Như vậy em đóng vai để làm hài lòng người khác vì sợ. Hoá ra mình làm thế không phải vì quý, mà vì sợ.
Một bạn nữ: Em nghĩ là sợ làm tổn thương người khác.
Thầy Trong Suốt: Sợ làm tổn thương họ.
Bạn đó: Tức là người mình yêu quý nhất, nên mình không muốn làm tổn thương họ. Với lại nhiều khi mình bỏ qua chuyện đó để mình duy trì mối quan hệ. Không muốn vì việc nói thẳng ra mình phải trả giá là mất đi mối quan hệ đó.
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Em nói giống hệt như bạn ấy thôi. Em sợ mất mối quan hệ. Có ai có ví dụ khác đúng là sợ không ạ? Tôi làm hài lòng người khác bởi vì tôi sợ, tôi sợ mất mối quan hệ mà! Tôi sợ người ta buồn này, tôi sợ mất mối quan hệ này, đều gọi là sợ hết. Tôi muốn làm hài lòng người khác vì ẩn dưới là tôi sợ, sợ mất mối quan hệ, cũng là sợ, sợ người ta tổn thương cũng là sợ. Có ai có ví dụ cuộc đời mình không ạ?
Một bạn nữ: Dạ, khi em đi làm việc thì công việc của mình có nhiều việc không thích nhưng mình vẫn phải làm, mình cũng sợ bị mất việc…
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, tốt. Có nhiều việc mình không thích. Sếp bảo: “Làm thế này có hay không em?”, mình cũng gật gù, đúng không? “Anh đúng là số một, chuẩn nhất”. Nhưng mình nói câu đấy vì sao?
Bạn nữ đó: Vì sợ mất việc.
Thầy Trong Suốt: Tốt. Vì sợ. Mình phải đóng vai để làm hài lòng người khác bởi vì mình sợ. Có ai có ví dụ nữa không ạ.
Một bạn nam: Em nghĩ mình muốn duy trì mối quan hệ của mình. Để sau này trong tương lai mình sẽ cần mối quan hệ đó.
Thầy Trong Suốt: Em sợ mất mối quan hệ đó đúng không? Em sợ trong tương lai không có mối quan hệ là cuộc đời em có vấn đề.
Bạn đó: Em nghĩ trong tương lai sẽ cần tới mối quan hệ đó. Ví dụ như muốn đi làm ở công ty thì mình có mối quan hệ, mình sẽ…
Thầy Trong Suốt: À, đúng rồi. Mình muốn làm công ty đấy, mối quan hệ tất nhiên là rất tốt. Mình nói ra những câu làm hài lòng, không mất lòng đấy, vì mình sợ mối quan hệ bị sứt mẻ, đúng không? Ví dụ rất tốt.
Một bạn nữ: Em sợ bị đánh giá là mình hẹp hòi.
Thầy Trong Suốt: Hẹp hòi như thế nào? Ví dụ câu chuyện của em như thế nào?
Bạn đó: Ví dụ như khi mà họ phạm một cái lỗi gì đó, mình không tha thứ, từ bên trong mình không muốn tha thứ cho họ, nhưng mình vẫn phải tha thứ.
Thầy Trong Suốt: Giả vờ tha thứ vì sợ bị đánh giá. Mình sợ người ta đánh giá là hẹp hòi nên giả vờ tha thứ, lòng mình vẫn chưa tha. Tốt, ví dụ rất tốt. Còn ai hiểu câu đấy không ạ?
Một bạn nữ: Nói chung trước giờ ba mẹ em muốn em làm theo nghề của ba mẹ. Nhưng lúc đó sợ ba mẹ không thương nữa cho nên mới nghe theo, làm theo. Nên cũng học thêm, rồi mình học ngành mà mình không muốn.
Thầy Trong Suốt: Thi vào ngành mình không thích vì sợ ba mẹ không thương mình nữa. Chuẩn luôn, ba mẹ hay có vũ khí là gì: “Nếu con làm cái này thì bố mẹ sẽ không thương con nữa đâu.” Ở đây có ai đã trải qua đoạn đấy chưa ạ?
Một bạn: Thương thì vẫn thương nhưng mà cắt tiền ạ. (Mọi người cười)
Thầy Trong Suốt: Cắt tiền nghĩa là không thương. (Cười) Có ai trải qua chuyện đấy chưa ạ?
Các bạn: Dạ rồi.
Thầy Trong Suốt: Hồi nhỏ bố mẹ mình suốt ngày nói như thế. Nghe quen đúng không? “Con làm thế này là không thương nữa đâu”, hay“Con không làm cái này là không thương nữa đâu”, thế là sợ quá phải đi làm đúng không? .
Như vậy có thể thấy rằng một trong những lý do mình phải đóng vai để làm hài lòng người khác, ẩn dưới nó là vì sợ: sợ làm ai đó buồn, sợ mất một cái gì đó, sợ mất một mối quan hệ, mất một tương lai nào đó, nên mình buộc phải đóng vai để làm. Mình đóng vai làm người khác vừa lòng bởi vì mình sợ. Không phải vì yêu mà vì sợ. Mình làm vừa lòng họ không phải vì mình yêu họ mà vì mình sợ mất gì đó.
Làm hài lòng vì yêu thì tốt rồi, nhưng làm hài lòng vì sợ theo mọi người có tốt không? Tôi làm hài lòng người khác không phải vì tôi yêu gì cả, cũng chẳng phải vì tôi quý, thương… gì hết. Tôi tha thứ cho người khác không phải vì tôi quý người ta, tôi yêu người ta, mà vì tôi sợ người ta bảo tôi hẹp hòi. Đấy là một ví dụ rõ nhất đấy. Theo mọi người điều đấy có phải điều tốt không ạ?
Bạn nữ: Không tốt.
Thầy Trong Suốt: Không tốt. Vì sao lại không tốt?
Bạn nữ đó: Em nghĩ tốt hay xấu cũng tuỳ hoàn cảnh.
Thầy Trong Suốt: Ờ, nhưng nói chung thôi. Mình làm hài lòng một người không phải vì yêu một tí nào luôn, chẳng quý tí nào, chẳng yêu tí nào mà vì sợ. Nếu mà hài lòng vì yêu bố mẹ thì OK (tốt) rồi, vì yêu đấy. Nhưng vì sợ bố mẹ cắt tài trợ này (Thầy cười ha ha), cắt tình yêu đúng không? Có người dọa mình là: “Em mà không làm thì anh cắt tình yêu đối với em” Có nhiều đôi vợ chồng, hoặc là đôi người yêu thế mà: “Nếu em không làm cái này cái kia thì anh sẽ cắt tình yêu đi”, thế là sợ quá phải làm. “Nếu em không về sớm thì… anh sẽ…”
Một bạn: Đóng cửa cho ngủ ngoài.
Thầy Trong Suốt: Hay! Bạn nào nói ấy nhỉ? À đấy! “Nếu em mà không về sớm thì đóng cửa cho ngủ ngoài”. Thế là mình về sớm, không phải vì yêu, về chăm sóc anh ấy mà gì? Sợ là anh ấy sẽ bỏ mình. Thế thì chúng ta có thể thấy là: có một tỉ lệ thuận giữa sợ và làm hài lòng người khác. Người càng hay sợ, sợ đủ các loại chuyện trên đời thì càng hay cố làm hài lòng người khác nhiều hơn. Ở đây có ai sợ vợ không ạ? Sợ người yêu? Có ai sợ người yêu không ạ?
Sợ người yêu nghĩa là mình cố làm hài lòng họ không phải vì mình yêu họ. Đúng rồi, vì mình sợ. Mình sợ điều gì đó: sợ buồn, sợ chia tay, sợ bất kỳ điều gì đấy. Bao nhiêu người đã từng làm hoặc đang làm hài lòng người yêu hoặc vợ hoặc chồng mình chỉ đơn giản là vì mình sợ mất một điều gì đó xấu xảy ra, v.v… chứ không phải vì yêu.
4. Hãy xem mình làm hài lòng người kia vì yêu hay vì sợ?
Thầy Trong Suốt: Mình hỏi thế này dễ hiểu hơn này: Mình làm không phải hoàn toàn vì yêu, mà có một phần vì sợ? Nếu mình bảo là 100% là sợ thì mọi người sẽ không đồng ý nhưng có phần vì sợ. Có ví dụ không ạ? Mình làm điều đó với người yêu mình, vợ chồng mình một phần vì sợ, chứ không phải hoàn toàn vì yêu.
Bạn Thuỷ: Bây giờ em và ông xã em công tác ở hai nơi, em ở đây, ông xã em ở quê. Công việc của em ở đây rất tốt, nhưng mẹ chồng muốn em về quê. Em không muốn về quê vì chẳng có việc gì làm hết. Bên nhà chồng em muốn em về để xin một việc trong nhà nước, cho nó ổn định. Thật sự em không thích, nhưng khi em nghĩ em sợ như anh nói, em sợ phát sinh mâu thuẫn, em sợ sẽ mất mối quan hệ đó. Cho nên em đã nộp đơn xin nghỉ ở cơ quan, mặc dù nó chưa có finally (cuối cùng), em chưa nghỉ công việc ở đây cho nên em đến buổi trà đàm của anh để có thể có câu trả lời giải quyết được vấn đề của em.
Thầy Trong Suốt: À, rất tốt. Chuẩn rồi.
Bạn Thuỷ lấy chồng rồi, chồng bạn ấy làm ở quê, còn bạn đang làm ở thành phố, rất thành công. Thế nhưng gia đình của chồng thì bảo là gì? “Thôi con ơi con về quê làm, hai vợ chồng rau cháo có nhau. ”Đấy, theo mọi người bạn ấy có muốn về không ạ? Đang rất tốt ở đây tại sao phải về? Tuy nhiên cuối cùng trời xui đất khiến như thế nào bạn vẫn nộp đơn đúng không? Đơn của em đã được duyệt chưa?
Bạn Thuỷ: Dạ chưa anh.
Thầy Trong Suốt: À được, tốt tốt. Bạn đến rất kịp thời. Trong lòng không biết nên làm thế nào thì bạn đến buổi trà đàm. Đấy là một câu chuyện điển hình. Thế thì khi đấy phải xem lại lúc mình nộp đơn đấy, mình làm nó vì cái gì? Vì yêu hay vì sợ?
Bạn Thủy: Cảm giác là sợ ạ. Vì em rất miễn cưỡng vì công việc không phù hợp với chuyên ngành. Thứ hai, em cũng không tưởng tượng được tương lai em sẽ làm gì. Em hoàn toàn không yêu thích công việc đó. Mà thật sự em cũng có rất nhiều plan (kế hoạch) ở đây.
Thầy Trong Suốt: Việc ở quê của em là việc gì?
Bạn Thủy: Việc ở quê của em chỉ là nhân viên hành chính thôi.
Thầy Trong Suốt: Còn ngành của em học là ngành gì?
Bạn Thủy: Em học ngành luật ạ.
Thầy Trong Suốt: Luật à? Em có việc hợp với em ở đây chưa?
Bạn Thủy: Dạ có.
Thầy Trong Suốt: Rồi. Ví dụ rất tốt. Bạn ấy nộp đơn về làm một nhân viên hành chính trong khi bạn ấy lại chuyên ngành là luật. Công việc của bạn ở đây rất tốt và bạn rất thích nó. Còn về quê thì biết trước chắc là không thích rồi. Thế mà bạn vẫn nộp đơn. Theo mọi người bạn nộp đơn vì cái gì? Vì sao ạ? Có phải vì quá yêu chồng không ạ?
Trên đời này có một câu rất hay: “Nỗi sợ làm tình yêu mờ đi”. Vậy nếu không phải vì yêu thì chắc chắn là bạn phải có sợ. Mọi người đoán thử xem bạn ấy sợ điều gì? Quyết định của bạn ấy đến từ nỗi sợ nhiều hơn là tình yêu. Đúng không? Vậy thì bạn ấy sợ điều gì? Khổ chủ sẽ là người chấm điểm ai đoán đúng nhất.
Một bạn nữ: Dạ sợ làm mâu thuẫn gia đình.
Bạn khác: Sợ làm mất lòng chồng hoặc là gia đình chồng.
Một bạn nam: Theo em, kiểu như người chồng gia trưởng ấy, bạn sợ làm mất cái tôi của chồng.
Thầy Trong Suốt: Sợ làm cái tôi của chồng bị đau đớn.
Các ý kiến: Theo em là chị ấy sợ bị đánh giá ạ; sợ mất đi sự an ổn đang có của gia đình; sợ thay đổi ạ; sợ bị chồng bỏ.
Thầy Trong Suốt: Sợ bị chồng bỏ. Rồi, đấy chúng ta thi xem ai nói đúng nhất nhé. Sợ bị chồng bỏ. Nghe có vẻ chuẩn đấy nhỉ.
Bạn nữ áo tím: Em nghĩ chắc là chị ấy sợ mất gia đình.
Bạn nữ áo đỏ: Em nghĩ chị ấy sợ mất độc lập khi thay đổi…
Một bạn nữ: Theo em là sợ chồng cặp bồ nhí khác.
Thầy Trong Suốt: Sợ chồng cặp bồ người khác. Á, kinh! (Mọi người cười) Cũng hay, đúng rồi ạ, biết đâu bạn không về chồng cặp bồ người khác thật. Được. Sợ chồng cặp bồ hay là sợ mình cặp bồ? (Cười) Hay là sợ mình cặp bồ nên phải về quê? Sẽ có phần thưởng cho người trả lời đúng nhất.
Một bạn: Em nghĩ là sợ phải đối mặt với chuyện giải quyết vấn đề.
Thầy Trong Suốt: Sợ phải đối mặt để giải quyết vấn đề. “Thôi, tốt nhất không nên đối mặt làm gì”, đúng không? “Về quê sống cho nó lành”, được, tốt! Câu trả lời rất tốt.
Một bạn nữ: Đôi khi mình sợ mình làm trái ý chồng, trái ý gia đình, thì nó dẫn đến cái tình huống xấu nhất là vợ chồng bỏ nhau. Nếu bỏ nhau sẽ dẫn đến chuyện gia đình hai bên lời ra tiếng vào, rồi hàng xóm chỉ trích này kia, xấu mặt, sợ dư luận. Sợ danh dự bị tổn thương.
Một bạn nữ: Em nghĩ là sợ phiền. Tại vì theo em thấy nếu chồng thật sự yêu thương mình, người nào thật sự yêu thương mình, họ sẽ không để cho mình phải vào tình huống phải lựa chọn khó khăn. Nên nhiều khi mình cứ thôi kệ, cứ làm vậy đi đã. Rồi từ từ suy nghĩ tiếp để tạm yên ổn đã.
Thầy Trong Suốt: Sợ phiền, tạm yên ổn đã đúng không? Được. Câu này là câu hay đấy, mọi người đoán thử đi.
Bạn nữ đó: Chị đó yêu chồng nhưng bị động không nghĩ được. Nếu người ta yêu thì sẽ đồng cảm, và sẽ giải quyết vấn đề đang xấu.
Thầy Trong Suốt: Nhưng bạn nói rõ là bạn ấy sợ chứ đâu phải là yêu đâu? Bạn ấy có phải vì tình yêu đâu? Em thử nói xem bạn sợ cái gì?
(Thầy quay sang hỏi bạn nữ nộp đơn xin nghỉ việc) Em có phải vì yêu không?
Bạn nữ nộp đơn xin nghỉ việc: Dạ không ạ.
Thầy Trong Suốt: Không, bạn ấy nói thẳng không vì tình yêu. À, đúng rồi. Ít ra cũng phải có tình yêu chứ đúng không? Không là bỏ rồi. Nhưng ở đây mình nói phần lớn là sợ.
Bạn nữ đó: Sợ mất chồng ạ.
Bạn đó: Mình sợ mất chồng có nghĩa là mâu thuẫn.
Bạn nữ áo đen: Em nghĩ là sợ những suy nghĩ, định kiến xung quanh.
Thầy Trong Suốt: Sợ bước ra khỏi vùng an toàn, ý em vùng an toàn là vùng nào?
Bạn đó: Ý là mọi thứ xung quanh chẳng thay đổi.
Một bạn nữ: Em nghĩ là sợ làm cho chồng buồn, tại vì chồng là người chị yêu thương nhất, mà chỉ vì cái tôi của mình là muốn độc lập ở đây, để cho người ta cô đơn, trong đó không bằng lòng. Nên sẽ quay về vì cái tình yêu của mình.
Bạn nữ áo nâu: Em nghĩ là sợ áp lực từ gia đình.
Thầy Trong Suốt: Sợ áp lực. “Thôi nộp đơn cho nó lành, đỡ bị bố mẹ áp lực”. Tốt, câu trả lời tốt. Rồi, các bạn nam. Có ai xung phong đoán được không ạ? Đoán thử xem là bạn ấy về vì sợ điều gì?
Các bạn nam: Em nghĩ là sợ bị ba mẹ chồng coi thường; sợ đổ vỡ mối quan hệ.
Bạn Thảo: Dạ, em nghĩ bạn đó sợ mình là người gây vấn đề trong gia đình. Sợ mình là người phản đối thì mình sẽ là người sinh chuyện trong gia đình.
Bạn Kỳ: Em nghĩ là sợ mất hoà khí giữa vợ chồng.
Bạn nam: Em nghĩ là sợ mất đi tình cảm giữa vợ với gia đình chồng.
Hạnh Nguyên: Dạ, theo em nghĩ là sợ phiền phức, sợ hai bên phải xảy ra những cuộc nói chuyện, rồi phân tích thì mệt lắm, phiền phức lắm.
Thầy Trong Suốt: “Phiền quá, thôi”, chọn phương án dễ đúng không? Khổ nhưng mà dễ, còn hơn là sướng mà khó.
Bạn Phong: Đặt vào vị thế của mình vô bạn đó thì em thấy là sợ làm lại từ đầu… mệt.
Bạn Phượng: Sợ mất những cái tình cảm mà mình đang muốn nắm giữ, nó bị phai nhạt dần.
(Thầy quay sang hỏi bạn nữ nộp đơn xin nghỉ việc)
Em nghe hết những câu trả lời chưa? Em thấy đúng không?
Bạn Thuỷ: Đây là lần đầu tiên em nói vấn đề của em trước đông người như thế này. Ngay cả bạn thân em cũng chưa kể. Thật ra chồng em với em cũng không có phát sinh những vấn đề lo ngại. Ví dụ như: sợ chồng bỏ hoặc như thế nào đấy. Vì trước đây hai tụi em yêu xa đến bảy năm, sau đó mới cưới. Có nghĩa là xa không phải là vấn đề.
Thầy Trong Suốt: Như vậy là những ai theo trường phái sợ bị chồng bỏ, rồi chồng ruồng rẫy là hết rồi, hết cơ hội được nhận thưởng rồi. Trong trường hợp bạn ở đây không sợ bị chồng bỏ. Mình xinh, tử tế, học giỏi đúng không? Chồng sao kiếm được cô hay hơn, đấy!
Bạn Thuỷ: Dạ, rồi cha mẹ chồng em cũng rất là tốt. Mẹ nhiều khi cũng giống như mẹ ruột em vậy, mẹ thường đối xử với em rất tốt. Chỉ có vấn đề là công việc ở quê, rất không phù hợp với mình thôi.
Nói chung em cảm ơn câu trả lời của tất cả mọi người. Đến khi nghe, trước đây em cũng không hiểu nguyên nhân là em sợ cái gì mà em lại nộp đơn. Khi mọi người nói thì em mới phát hiện ra ba câu trả lời. Nó khá giống với nguyên nhân vì sao mà em làm.
Một là em rất sợ phiền hà. Em cưới nhau hơn một năm rồi, câu chuyện: “Em xin về quê đi”, em với chồng em đã nói chuyện cách đây một năm rồi. Kiểu nói qua nói lại, em rất phiền khi phải nghe những câu chuyện hai người nói, xong cứ xích mích qua lại lẫn nhau như vậy, cãi nhau… có nhiều khi em muốn chấm dứt câu chuyện đó.
Thầy Trong Suốt: Hay! Sợ phiền hà, sợ phiền hà, cãi nhau. Ai đúng?
Bạn Nguyên: Dạ, chào mọi người, mình tên Nguyên, mình ở Đà Nẵng luôn. Mình thì không có tình huống giống như chị, nhưng trong nhiều trường hợp mình cũng thấy là mình làm vì mình thấy phiền quá. Nếu như nó nằm ở trong giới hạn của mình, trong mức độ cho phép của bản thân, có thể bỏ qua thì mình sẽ làm. Còn nếu như mà nó vượt khỏi mức độ, hoặc là có nhiều thứ nhỏ nhỏ tích tụ dần, thì bỗng nhiên sẽ tới một lúc nào đó bản thân không chịu đựng nổi thì say goodbye (chào tạm biệt).
Trong Suốt: Hoan hô bạn Nguyên. (Mọi người vỗ tay) Mời bạn bên kia.
Hạnh Nguyên: Dạ, chào mọi người. Em cũng tên Nguyên luôn.
Trong Suốt: Kinh! Tên Nguyên thông minh nhỉ. Tên Nguyên là hiểu nguyên nhân đấy. Sau này các em mà đẻ con mà muốn hiểu hết nguyên nhân bố mẹ lấy nhau, thì sao? Đặt tên là Nguyên, là xong.
Hạnh Nguyên: Dạ em tên Nguyên cũng ở trong Đà Nẵng luôn. Dạ, thì em đoán gần đúng với ý của chị, tại vì bản thân em cũng ở trong nhiều trường hợp như vậy. Nhưng mà không phải với chồng, với người yêu, mà là với công việc của em. Em thấy thôi làm cái chi dễ dễ cho rồi, đỡ phải mất sức, mất năng lượng. Còn lại mình chịu được cái điều đó tới một lúc mà hắn dồn nén một thời gian rồi mình cảm thấy không chịu được nữa thì mình muốn bỏ cái đó đi.
Trong Suốt: Hoan hô hai bạn Nguyên trả lời đúng. Hoan hô! (Mọi người vỗ tay) Đây, phần thưởng của em đây. Rồi, em nói lý do số hai của em đi.
Bạn Thuỷ: Nguyên nhân thứ hai là sợ chồng buồn lo. Chứ còn em cũng không quan tâm lắm đến chuyện ba mẹ chồng như thế nào và họ hàng, hàng xóm, vì đó là cảm xúc của người ta.
Trong Suốt: Có ai đúng ý sợ chồng buồn không ạ? Em cũng sợ chồng buồn đúng không?
Kim Nguyên: Em chào mọi người. Em là tên Nguyên luôn.
Trong Suốt: Wow! Quá ghê.
Kim Nguyên: Em là Kim Nguyên, đến từ Đà Nẵng. Em chưa lấy chồng nhưng em cũng gặp trường hợp giống như chị. Cũng là người yêu của em luôn, và đến bây giờ vấn đề đó cũng chưa giải quyết được do vậy em đã tới buổi tọa đàm này để tìm ra câu trả lời.
Thầy Trong Suốt: Wow! Các em thấy tên Nguyên lợi hại chưa? Nguyên là nguyên nhân, hiểu được bản chất của vấn đề. Nên sau này các em đẻ con nên đặt tên Nguyên. Còn nếu đẻ rồi thì sao? Đổi thôi. Đổi tên hoặc chính mình, mình thích trở nên sáng láng hiểu nguyên nhân thì sao?
Cái tên nó tạo cho mình ám thị mình là ai. Người ta gọi mình là: “Thất Bại ơi!” thì cuộc đời mình lúc nào mình cũng thấy mình thất bại. Nhưng gọi mình là: “Thắng Lợi ơi!” thì mình thấy đời mình lúc nào cũng đẹp. Cái tên làm mình ám thị mình là ai, và khi mình nghĩ mình là ai thì mình sẽ sống như mình nghĩ. Ví dụ mình nghĩ mình là người trung thực thì mình sẽ sống như người trung thực. Đúng không? Mình nghĩ mình là một người dũng cảm, mình sẽ sống như một người dũng cảm. Mình nghĩ mình là một người khôn ngoan thì trước những quyết định mình sẽ khôn ngoan. Nên là khi mình nghĩ mình là ai, thì mình sẽ hành xử như vậy.
Còn cái gì tạo nên được mình nghĩ mình là ai thì trong những cái đấy… cái tên là thứ rất quan trọng. Cái tên là từ để người ta gọi mình và là từ mình nghĩ về mình, nên là dần dần mình tạo ra một ám thị rằng tôi là ai. Đấy, cái tên quan trọng đấy. Cái tên người ta gọi là gì nhỉ: Cái tên làm nên số phận đấy. Cái tên có khả năng làm nên số phận. Vì nó làm cho mình cảm giác mình là ai và mình sẽ hành xử theo tính cách đấy, và tạo nên tính cách, tạo nên số phận của mình.
5. Vòng xoáy của nỗi sợ
Thầy Trong Suốt: Hơi lạc đề chút. Quay lại câu chuyện, hoá ra làm thế đúng là vì bạn sợ thật. Và bạn quyết định không phải mình chỉ có phần yêu thôi. Phần yêu vẫn có nhưng trong đấy có phần sợ. Có thể các em đoán đúng hoặc không đúng, nhưng phần tất cả các em đều đúng là gì? Là bạn ấy có sợ. Mình cố làm hài lòng người khác, mà mình không muốn, bao giờ ẩn dưới nó cũng là nỗi sợ. Và khi mình có nỗi sợ, thường là mình sẽ không sáng suốt. Hôm nay bạn ấy rất may còn có người phân tích việc của bạn ấy. Và bạn nhìn ra bạn sợ cái gì.
Thông thường mọi người không cảm thấy là mình sợ, không biết là mình sợ. Hoặc sợ chung chung. Và khi đấy mình bị nỗi sợ khống chế. Và ở đâu có nỗi sợ thì ở đấy tình yêu bị giảm đi. Nếu mình sợ, mình sẽ yêu kém đi ngay. Mình càng làm vì sợ mình sẽ càng ít làm vì yêu. Ngược lại, mình càng làm vì yêu thì mình càng ít làm vì sợ.
Và không ai trên đời này là nên để cho nỗi sợ khống chế. Vì bản chất của nỗi sợ đến từ một điều tiêu cực. Mình làm một chuyện vì một điều tiêu cực thì nó chỉ ra kết quả tiêu cực. Bản chất của nỗi sợ là gì? Nếu mình sợ một lần rồi thì mình sợ tiếp một lần nữa. Nỗi sợ dẫn đến nỗi sợ.
Ví dụ thế này, mình đang ngồi đây nhưng ở kia có người kêu: “Rắn! Rắn! Rắn!”. Sợ không? Đầy người sợ đúng không ạ? Vì sao? Vì nỗi sợ dẫn đến nỗi sợ. Nên mình làm một việc vì sợ, thì việc tiếp theo mình làm sẽ vì sợ.
Nếu em về quê vì sợ, ở quê sẽ có những chuyện xảy ra, em lại làm nó vì sợ nữa. Đây là chắc chắc mọi chuyện sẽ xảy ra như vậy. Nếu em về vì yêu, thì ở quê nếu có chuyện xảy ra em sẽ làm vì yêu. Còn nếu em về vì sợ, cũng là về thôi, hai hành động giống hệt nhau, nhưng nếu em về vì yêu thì em sẽ hành động tiếp theo vì tình yêu.
Tình yêu dẫn đến tình yêu và nỗi sợ dẫn đến nỗi sợ. Nếu em về vì những nỗi sợ như vừa kể em không làm cách nào giải quyết được, thì em sẽ về quê với những chuyện xảy ra mới. Ví dụ bố mẹ bảo: “Thôi con ở nhà nghỉ đi chồng nuôi”, hoặc: “Thôi năm nay đẻ đi đừng có để năm sau nữa”, mình sẽ lại làm vì sợ. Cuối cùng cuộc đời của mình, những quyết định quan trọng của mình toàn vì sợ. Vì mình đã bắt đầu mọi chuyện vì sợ. Những đôi vợ chồng lấy nhau vì sợ rất khó hạnh phúc. Ở đây những ai gặp đôi vợ chồng lấy nhau vì sợ chưa ạ?
Uyên Lan: Dạ, ai cũng có chồng có vợ hết rồi, cậu em chưa có vợ. Cậu cưới và không hạnh phúc
Thầy Trong Suốt: Bạn Uyên Lan có một người cậu, khi tất cả mọi người xung quanh lấy vợ hết rồi mà mình chưa lấy, thế là cậu ấy bắt đầu sinh ra sợ. Cậu ấy lấy một cô vì sợ. Một đám cưới vì sợ, mà không phải vì yêu thì sẽ rất khó hạnh phúc.
Uyên Lan: Mười hai năm ạ.
Thầy Trong Suốt: Mười hai năm chung sống với nhau không hạnh phúc. Đấy, ở kia có tiếng kêu: “Rắn! Rắn! Rắn” một phát, lập tức mọi người sợ ngay. Vì nỗi sợ nó lan ra mà. Nỗi sợ tạo ra nỗi sợ. Giả sử ở kia có tiếng: “Rắn! Rắn! Rắn!”, 5 người đứng dậy chạy. Nhưng có một bạn ngồi lại cười khanh khách, mọi người có bớt sợ đi không ạ? Bớt sợ ngay.
Ở đâu có không–sợ dẫn đến không–sợ, và sợ dẫn đến sợ. 5 người chạy đi là vì sợ, còn bạn ấy không sợ. Bạn ấy quay lại nhìn và hoá ra chẳng có con rắn nào hết, chỉ có cuộn dây ở đấy thôi. Thế là bạn ấy không sợ. Khi bạn ấy không sợ thì những người xung quanh bạn ấy bớt sợ đi. Nên nếu các em làm việc gì vì sợ, thì các em sẽ tiếp tục làm nó vì sợ. Nếu em chiều bố mẹ vì sợ thì em sẽ chiều tiếp bố mẹ vì sợ, ở chính chuyện đấy luôn. Nếu em chiều người yêu, chiều vợ, chiều chồng mình vì sợ thì chắc chắn tiếp tục mình sẽ làm điều đấy. Cho đến ngày nào mình quyết định “Không sợ nữa!”.
Khi bắt đầu mình quyết định không sợ nữa thì mình sẽ ra khỏi vòng xoáy của nỗi sợ.
Vòng xoáy của nỗi sợ là gì? Tôi làm việc A vì sợ, tôi sẽ làm việc B tiếp theo việc A vì sợ. Tôi làm việc C tiếp theo việc B cũng vì sợ. Và vòng xoáy nỗi sợ bắt đầu. Sau một thời gian tôi sẽ toàn làm vì sợ. “Thôi cái này ngại lắm, tôi làm vì ngại lắm, ngại đối đầu lắm, thôi làm”, Xong một chuyện nữa xảy ra, “Thôi mình đã tránh đối đầu quen rồi, tránh tiếp một lần nữa có sao đâu”. Đấy, thế là vòng xoáy của nỗi sợ và nó kéo người ta đi lên hay đi xuống ạ?
Mọi người: Đi xuống.
Thầy Trong Suốt: Nhưng bất kì lúc nào mình cũng có thể thoát ra vòng xoáy của nỗi sợ được.Theo mọi người làm thế nào để thoát ra khỏi nỗi sợ bây giờ? Theo Thuỷ làm thế nào để thoát được nỗi sợ? Làm thế nào để vẫn về quê mà không phải vì sợ. Hoặc là không về quê nữa cũng được.
Bạn Thuỷ: Dạ, em thấy là mới đầu em về một phần vì yêu, một phần vì sợ. Để tốt đẹp thì mình chuyển phần sợ đó thành yêu. Mình về quê trong tình yêu hết, chuyển phần sợ đó đi.
Thầy Trong Suốt: Được. Hoặc mình về vì yêu. Mình về mình làm cho chồng hạnh phúc. Hoặc mình ở lại. Mình không về nữa, cũng được. Không về nữa vì không sợ nữa. Không nhất thiết phải về đâu. Em thật sự lúc nào cũng có hai lựa chọn. Em có thể về vì đơn giản là thực lòng vì chồng mình. Hoặc em ở lại vì em chẳng sợ nữa. Sao không chọn phương án chồng lên đây?
Bạn Thuỷ: Khó thuyết phục lắm.
Thầy Trong Suốt: Giờ em không sợ mà! Ngày xưa mình sợ mình mới không chọn phương án đấy. Bây giờ mình chọn phương án em không sợ gì nữa nên mình về quê mình nói với bố mẹ chồng và chồng mình rằng thành phố tốt hơn nhiều. Thành phố là nơi có nhiều cơ hội và nhiều điều tốt trong tương lai hơn. Nên anh hãy lên đây đi. Em sẽ nuôi anh một đoạn nào đấy để anh tìm việc mới. Đấy là không sợ đấy. Đấy là một lựa chọn khác. Hoặc về quê vì yêu, hoặc ở lại thành phố vì không sợ. Tóm lại, thành phố nhiều cơ hội mà. Chồng em đâu đến nỗi kém lắm đâu, lẽ nào không tìm nổi việc ở thành phố Đà Nẵng này, đúng không?
Bạn Thuỷ: Dạ, những điều đó em cũng đã từng thuyết phục rồi. Vấn đề là chồng em vẫn không chịu. Cho nên em vẫn phải nộp đơn về quê, em không biết giải quyết như thế nào?
Thầy Trong Suốt: Bây giờ em lên trình đi. Em bảo không có chuyện em về quê đâu. Em không thể về quê vì sợ được. Cho đến khi nào em còn sợ thì không về quê. Em tập. Anh lên thì lên, không thì chúng ta lại hoãn đi một năm nữa. Em sẽ không thể về quê bằng nỗi sợ. Em sẽ ở lại để tập, để hết sợ. Thế thôi, 1 năm, 2 năm, tuỳ. Còn anh lên đây là giải pháp tốt, anh lên đây đi.
Vì tôi hiểu rằng, nếu tôi về quê vì sợ thì tôi sẽ sợ tiếp một cái gì đó ở quê cho mà xem. Đời tôi sẽ đi vào vòng xoáy của nỗi sợ. Tôi không làm điều đấy, tôi nhảy ra luôn. Tôi không muốn đời tôi vào vòng xoáy của nỗi sợ nữa. Vì mình cứ sợ một lần, hai lần rồi sẽ sợ. Thói quen của nỗi sợ là thế. Người đã sợ hết lần này sẽ sang lần khác và mãi mãi trong vòng xoáy của nỗi sợ. Nên ngày hôm nay tôi đã biết thế nào là đúng rồi, tôi quyết định nhảy ra khỏi nỗi sợ. Chừng nào tôi còn sợ tôi không về. Nếu tôi về quê hoặc vì yêu, chứ không bao giờ về quê vì sợ hết.
Đấy, nếu em mạnh mẽ em có thể sống như vậy luôn. Và có khi chồng em sẽ chạy theo em cũng nên. Khi mình mạnh mẽ rồi, mình có khả năng gây lòng tin cho người khác. Nói chung ở góc độ của anh, anh thấy em chẳng nên về quê. Đấy là quan điểm của anh. Chẳng có lý do gì, bởi vì khi em có nỗi sợ, không có lý do gì để về quê. Ở lại đây đi, ở đây tập luyện một thời gian. Hết sợ rồi tuỳ em muốn quyết thế nào thì quyết. Hết sợ rồi em có thể về quê cũng được, em ở đây cũng được, kéo chồng lên đây cũng được. Thật đấy.
Bạn Thuỷ: Vậy vấn đề mấu chốt là mình phải đặt không sợ lên.
Thầy Trong Suốt: Không sợ nữa! Nếu mình về quê vì sợ thì không về. Ngày xưa, ở đây có ai bị bố mẹ giục lấy vợ lấy chồng không nhỉ? Ngày xưa anh cũng bị bố mẹ giục lấy vợ. Cách đây khoảng mười năm bố anh bảy mươi tuổi, già rồi, còn mình là con đầu, cho nên rất muốn mình lấy vợ. Mình cũng nghĩ “Thôi bố mẹ già rồi, bây giờ mình không lấy thì bố mẹ buồn”, sợ bố mẹ buồn này, sợ bố mẹ lo. Mình suýt nữa thì lấy vợ vì sợ.
Suýt nữa thôi, vì sao? Khi năm 2006 mình chuẩn bị lấy rồi, bắt đầu lập kế hoạch cho việc lấy rồi. Anh mới nhận ra là: “Không. Mình không thể nào mà đi tìm một cô vợ chỉ đơn giản vì sợ. Không thể được! Mình không thể đi lấy một cô vợ vì mình sợ bố mẹ mình buồn, rồi lo, sợ mình có tuổi, v.v… Không được!”
Thế là anh có một câu tuyên bố với chính mình: Mình sẽ chưa lấy vợ cho đến khi mình hết sợ. Mình sẽ không thể lấy vợ vì sợ được. Bất công cho cả cô ấy. Hồi đấy mình hiểu lấy nhau vì sợ thì khó hạnh phúc lắm, suốt ngày sợ. Ở Việt Nam mình rất hay có phong trào lấy vợ hoặc lấy chồng vì sợ. Các em đừng có làm như vậy. Các em là thế hệ mới rồi, các em không phải thế hệ ngày xưa, khó lấy vợ lấy chồng nữa. Ngày xưa thì khó lắm, bây giờ nhiều lựa chọn, thậm chí không lấy vợ, lấy chồng vẫn có thể sống độc lập, hạnh phúc được. Nên các em đừng rơi vào vòng xoáy của nỗi sợ. Đừng quyết định lấy vợ, lấy chồng vì sợ. Mà nếu lỡ lấy rồi thì hãy nhảy ra khỏi nó. Nhảy ra khỏi nỗi sợ ấy, chứ mình chưa chắc là nhảy ra khỏi hôn nhân. (Mọi người cười)
6. Ba bước để Không sợ mất lòng
Thầy Trong Suốt: Các em đừng làm điều gì vì sợ. Nếu mình lỡ làm, hoặc mình đang làm thì mình tạm dừng, mình sửa nỗi sợ đi đã. Mình tập cách để không sợ. Không sợ có rất nhiều cách. Có hai cách chính để không sợ.
Một là, thay nỗi sợ bằng tình yêu. Nếu mình thuộc loại tuýp người dào dạt tình yêu thì có thể làm như vậy. Ví dụ người yêu mình bảo: “Em ơi anh muốn đưa em về gặp bố mẹ”. Thế là mình có hai lựa chọn, hoặc mình về quê vì sợ. Mình chưa sẵn sàng gặp bố mẹ của anh. Nhưng sợ anh ấy bỏ mình, ghét mình, giận mình… mình không về thì có chuyện. Nên mình về, về vì sợ.
Có hai giải pháp, một là về vì yêu: Mình nghĩ đi nghĩ lại thấy rằng, mình có thể yêu anh ấy thì về, chứ không phải vì sợ. Đấy, những người dạt dào tình yêu có thể chọn phương án thay nỗi sợ, chuyển dần sợ. Thay 100% thì khó, nhưng chuyển dần sợ sang yêu. Câu chuyện của bạn Thuỷ, mình nghĩ đi nghĩ lại mình thấy rằng: “Thôi, mình về quê sẽ ích lợi cho anh ấy, sẽ đem đến hạnh phúc cho anh ấy. Nên mình sẽ giải quyết nỗi sợ của mình và mình chuyển về quê sống” – Đấy là một lựa chọn. Thường những người nào yêu nhiều thì sẽ bớt sợ.
Tuy nhiên, tình yêu là một thứ không thể dùng lý trí để yêu được. Tình yêu này không phải là mình: “Yêu! Yêu! Quyết tâm yêu! Quyết tâm! Quyết tâm!” là thành yêu, không phải. Thế mới bảo điều này dành cho những người dạt dào tình yêu, những người đầy tình yêu sẵn rồi. Còn không yêu mấy thì rất khó bảo hãy yêu đi được. Đấy, nên cách này có, đúng, nhưng nó không thực dụng lắm, bởi vì không phải lúc nào cũng áp dụng được.
Cách thứ hai, là tập dùng Trí tuệ để hết sợ. Cách này có thể ai cũng áp dụng được. Vì nó dùng lý trí, dùng Trí tuệ để giải quyết nỗi sợ.
Giống như ví dụ con rắn lúc nãy. Một người kêu là: “Rắn! Rắn! Rắn! Chạy! Chạy!”. Tất cả mọi người đều chạy trong khi chưa kịp nhìn con rắn. Chỉ một người kêu thôi, còn bốn người còn lại bỏ chạy. Đấy gọi là không có trí tuệ, mình không nhìn kĩ, mình không biết là rắn hay là gì cả.
Trí tuệ là gì? Mình quay mặt lại nhìn xem đúng con rắn thật không. Khi nhìn mình nhận ra nếu đúng con rắn thật thì sao? Chạy thật nhanh, nhanh hơn người khác, vắt chân lên cổ. Vì mình hiểu rồi còn hội kia vẫn chưa hiểu, chạy theo phong trào. Mình chạy theo hiểu biết, khác hẳn nhau. Nên nó chạy một bước, mình chạy ba bước là chắc rồi. Vì nó không sợ, còn mình hiểu là con rắn thật. Ngược lại nếu đó là cuộn dây thì sao? Cuộn dây thì mình lại nhe răng cười vui vẻ và làm cho người khác bớt sợ. Ví dụ về con rắn và cuộn dây là ví dụ rõ nhất về việc mình có thể dùng Trí tuệ giải quyết nỗi sợ.
Khi mình gặp chuyện thay vì mình làm một hành động theo bản năng thì mình quay lại nhìn rõ nó. Đấy Trí tuệ là thế đấy, nhìn rõ nó, xem nó thật sự đáng sợ không? Đáng sợ ở đâu? Và giải quyết thế nào? Như trong câu chuyện của bạn Thuỷ, Trí tuệ là gì? Thay vì việc cứ nộp đơn về quê chẳng hiểu tại sao, tôi ngồi lại tôi nghe, tôi đọc sách, tôi tìm hiểu và tôi phân tích xem tại sao tôi lại về quê. Khi nhận ra tôi có hai nỗi sợ, tôi tìm cách giải quyết từng nỗi sợ một – đó là Trí tuệ. Giải quyết xong rồi tôi mới quyết định làm hay không làm.
Vì khi nỗi sợ mất thì có thể tình yêu lên tiếng, hoặc khi nỗi sợ mất thì chẳng cần phải làm gì nữa. Vì trước đây mình định làm vì sợ, khi giải quyết xong nỗi sợ rồi thì hoặc tình yêu lên tiếng: “Thôi đúng rồi, chồng mình là nhất, mình về quê với chồng”. Hoặc mình thấy chẳng đáng gửi đơn về quê, rút đơn lại. Đấy là cách để mình giải quyết nỗi sợ.
Nguyên tắc đầu tiên là đừng làm điều gì vì sợ. Nếu đang làm vì sợ, hãy tạm dừng lại, hãy quay lại nhìn và tìm cách giải quyết nỗi sợ đấy bằng Trí tuệ hoặc bằng tình yêu. Có những chuyện trên đời chỉ giải quyết bằng tình yêu. Ví dụ người mẹ yêu con có thể hy sinh cho con rất nhiều, chẳng sợ gì, vì tôi yêu, thế thôi. Cách đấy không dễ làm, thường phải những người dào dạt tình yêu. Còn cách tất cả các em có thể làm được là dùng Trí tuệ. Khi mình hành động vì sợ thì phải nhận ra rằng mình đang làm vì sợ.
Vậy làm thế nào ra khỏi vòng xoáy nỗi sợ?
Bước một, phải nhận ra mình làm vì sợ. 100% sợ thì không nhưng có một nỗi sợ nào đó đằng sau hành động của mình khi mình cố làm vừa lòng ai đó. Các em rất hay nghĩ rằng mình làm thế này không phải vì sợ đâu, mình oách lắm. Nhưng nếu em nhìn kỹ lại thì có thể 80% là vì yêu hay là vì cái gì đó. Nhưng kiểu gì các em cũng sẽ tìm thấy cái phần sợ và em phải dừng lại để giải quyết cái phần sợ đấy. Từ từ đừng làm vội, trì hoãn chút cũng được.
Bạn Nguyên lúc nãy kể một câu chuyện bạn đồng nghiệp rủ đi ăn. Bạn ấy đi. Thế thì đừng đi vội, đừng quyết định gì vội. Bước một, kiểm tra xem mình đi vì mình thực tình muốn đi không? Hay đi vì sợ. À, phát hiện ra “Đi vì sợ.”
Bước hai, mình có chuyển sợ thành yêu được không nhỉ? Dùng tình yêu nếu mình có nhiều tình yêu. “Vì tình yêu dạt dào với các bạn nên tớ sẽ đi.” Điều này không thể dùng lý trí được, mình phải xem lại thôi.
Bước ba, tôi có thể dùng Trí tuệ để giải quyết nỗi sợ không? Tôi phải tìm xem tôi sợ điều gì? Trong trường hợp của bạn đấy là sợ điều gì?
Hạnh Nguyên: Sợ mọi người sẽ đánh giá là không đoàn kết hoặc sợ mọi người phán xét.
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi, trong trường hợp này bạn ấy sợ phán xét. Vậy làm thế nào dùng trí tuệ để giải quyết nỗi sợ? Trí tuệ để giải quyết nỗi sợ là gì? Là khi mình sợ người ta phán xét, mình phải hiểu rằng đủ nhân đủ duyên, đủ nhân quả, thì phán xét sẽ xảy ra. Mình có cố thì người ta cũng phán xét mình. Phán xét không đến từ việc mình có đi hay không đi. Nếu mình đi, nhưng mình hành xử hoặc mình làm gì đấy mất lòng thì vẫn bị phán xét. Ngược lại nếu mình không đi mà mình sống một cách đáng tôn trọng, người ta không phán xét mình. Đấy là sự thật.
Khi mình sợ quá mình phóng đại lên rằng: Nếu mình không đi thì người ta phán xét, nhưng khi mình có Trí tuệ, mình thấy rằng không phải như vậy. Khi mình đang sợ mình rất hay phóng đại. Mình nghĩ ngay “Nếu không đi là phán xét” – thực tế không phải như vậy. Mình có thể không đi vẫn không bị phán xét, hoặc mình chấp nhận bị phán xét là một phần của cuộc sống, nó xảy ra theo nhân quả. Và khi đó mình tìm cách lựa chọn khác.
Ví dụ ngày xưa anh cũng đã từng ăn chay hai năm, và tất cả các buổi tiệc mình đều không đi hết. Buổi tiệc mà mình biết chắc chắn đến đấy sẽ gọi hải sản tươi sống, tránh hết. Nhưng có ai coi thường mình đâu! Vì phán xét không đến từ một hành động. Phán xét đến từ phẩm chất con người. Nếu người ta coi thường phẩm chất mình người ta mới phán xét mình, nói xấu mình. Còn mình có vài hành động như vậy, nhưng người ta không nói xấu mình nếu mình có phẩm chất tốt. Ví dụ mình vẫn là người trung thực và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần thiết. Mình có thể bỏ đi ăn nhưng mình không bỏ đi giúp. Những người bạn nhậu sẽ phán xét mình, nhưng mà tất cả mọi người sẽ không phán xét theo kiểu mình là một kẻ xấu. Cùng lắm người ta phán xét mình là kẻ nhác đi nhậu thôi. Vì sao? Vì mình có phẩm chất của mình, không ngại sự phán xét không đúng với con người thật của mình.
Ngược lại khi mình có Trí tuệ rồi, mình chấp nhận sự phán xét đấy. Mình chấp nhận bị người ta coi thường. Một phần cuộc sống mà! Người không hiểu mình là những người thật sự không quan trọng với mình. Sự coi thường đấy không ảnh hưởng đến cuộc đời mình, mình chấp nhận để cho cả những người khác hiểu lầm mình luôn – đấy cũng là một loại Trí tuệ.
Chấp nhận người khác hiểu lầm mình là một loại Trí tuệ. Khi mình có trí tuệ mình sẽ vượt qua nỗi sợ theo kiểu: “Tôi không phải là người như vậy, nhưng cuộc sống là như vậy. Có thể người ta hiểu lầm tôi, những người đấy hiểu lầm tôi cũng là bình thường thôi. Tôi chấp nhận điều đấy”.
Trí tuệ là mình chấp nhận. Đấy, Trí tuệ không phải là điều gì đó cao siêu đâu. Mình hay nghe thấy “Trí tuệ”, mình nghĩ là cao siêu. Trí tuệ đơn giản là mình chấp nhận. Chấp nhận trong trường hợp của bạn Thuỷ là mình chấp nhận bị chồng buồn. “Để làm điều đúng tôi chấp nhận chồng buồn” – đấy là Trí tuệ. Đấy, “Để làm điều đúng tôi chấp nhận phiền phức” – đấy là Trí tuệ. Thế còn trong trường hợp của bạn Nguyên, Trí tuệ là gì?
Hạnh Nguyên: Để làm điều đúng mình chấp nhận cho người ta phán xét mình.
Trong Suốt: Đúng rồi, để làm điều đúng tôi chấp nhận để cho tất cả bạn bè tôi phán xét tôi là một kẻ…
Hạnh Nguyên: Không đoàn kết, không tôn trọng sếp.
Trong Suốt: Nhưng thiếu gì cách để tôn trọng sếp. Cần gì phải đi ăn nhậu mới tôn trọng sếp, đúng chưa? Khi mình phóng đại lên thì mình nghĩ phải ăn nhậu mới tôn trọng sếp. Còn khi mình sáng suốt, Trí tuệ rồi thì thiếu gì cách. Ngày mai đứng trước công ty hát bài ca ngợi sếp. Đúng không? Thế là thôi, cả công ty thấy là gì? Mình là đứa tôn trọng sếp nhất! Việc quái gì phải đi ăn hải sản tươi sống. Khi mình sáng suốt rồi mình có rất nhiều cửa. Đấy, để làm một điều đúng, tôi chấp nhận người khác hiểu lầm mình. Cái này rất quan trọng đấy, cái này là dấu hiệu của trưởng thành.
Vì các em không thể nào làm hài lòng tất cả mọi người được, không thể làm tất cả mọi người hiểu đúng về mình được. Các em có thể hiểu đúng về tất cả những người xung quanh mình không? Người thân mình chắc gì mình đã hiều đúng hết, nữa là bạn bè. Thế nên mình hy vọng người khác hiểu đúng về mình là một điều rất buồn cười. Nhưng đôi khi mình giữ ảo vọng buồn cười đấy để mình sống vì rất sợ. Còn Trí tuệ là Cho phép. Trí tuệ mà. Tôi cho phép cả thế giới này hiểu lầm tôi, vì đó là sự thật. Sự thật là chẳng có ai hiểu đúng tôi được 100% hết. Đủ hoàn cảnh là có thể hiểu lầm. Người Trung Quốc có câu: “Đi qua ruộng dưa thì đừng có cởi giày và đi qua giàn bí thì đừng có vấn khăn.” Vì sao ạ?
Một bạn: Vì sợ nghĩ mình ăn trộm.
Thầy Trong Suốt: “Qua điền bất khả nạp lý”: nếu mình đi qua ruộng, mình cởi giày người ta sẽ thấy, nghĩ mình là ăn trộm. Cúi xuống lần mò gì đó. Còn đi qua giàn bí, mình cứ quấn khăn trên đầu, người ta nghĩ mình là ăn trộm. Nên câu này khuyên “Đi qua ruộng dưa thì đừng có cởi giày và đi qua giàn bí thì đừng có vấn khăn”, vì sợ bị người khác hiểu lầm.
Thế nhưng đấy là thời đại cũ rồi. Nếu mình cứ sống như vậy nhỡ lúc cần cởi giày thì cởi chứ! Khăn rơi có quấn không? Quấn chứ! Thời đại cũ, người ta quá sợ hình ảnh của họ trong mắt người khác bị mất, nên họ dạy mình những câu như thế. Nhưng các em ở thời đại mới, các em phải hiểu việc người khác nghĩ gì về mình nếu mình chạy theo việc đấy thì mình chui vào vòng xoáy của nỗi sợ. Mà các em đã sợ một lần, các em sẽ sợ lần hai, lần ba, lần bốn.
Nên một ngày nào đó các em phải quyết định ra khỏi vòng xoáy bằng việc có Trí tuệ. Bằng việc chấp nhận rằng nếu chuyện đó xảy ra thì cũng là nhân quả, mình không thể nào chống lại việc đó được. Nên mình chấp nhận có khả năng nó xảy ra. Nếu các em có nhân quả của việc bị coi thường, bị hiểu lầm thì nó sẽ xảy ra, em không chống nổi. Nên mình chỉ có thể làm được phần mình cho là tốt nhất thôi, chứ mình không sợ, mình không cố gắng làm cho tất cả mọi người hiểu đúng về mình. Đó là bắt đầu trưởng thành đấy. Khi nào các em không bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của người khác về mình nữa các em mới bắt đầu trưởng thành được. Nếu các em bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ của người khác về mình thì các em là nạn nhân của nỗi sợ.
Bởi vì suy nghĩ người ta thay đổi liên tục: Hôm nay nghĩ tốt về mình, ngày mai có thể nghĩ xấu được không? Nếu mình là nạn nhân của suy nghĩ người khác, mình có thê thảm không? Vì suy nghĩ người ta đổi liên tục, nên người ta nghĩ tốt về mình, lúc sau người ta nghĩ xấu về mình. Mình đang là người rất vui thành người bất hạnh ngay lập tức. Nên khi nào các em muốn trưởng thành chỉ có cách duy nhất các em bắt đầu ra khỏi thế giới là nạn nhân của suy nghĩ người khác. Vì suy nghĩ người khác luôn thay đổi theo hoàn cảnh, dù tâm địa họ tốt đi nữa, hoàn cảnh cũng làm cho họ nghĩ sai về mình. Các em không thể sống trong trạng thái lúc nào cũng sợ người khác nghĩ gì về mình được, vì các em rơi vào vòng xoáy của nỗi sợ, một thời gian sau đời em ngập tràn nỗi sợ.
7. Phần thưởng chỉ dành cho người dấn thân đi tìm Trí tuệ.
Một bạn nữ: Anh cho em hỏi, trong ví dụ đi ăn liên hoan với công ty, ví dụ như có sếp ở đó. Và sếp sẽ đánh giá mình, xong rồi sếp sẽ làm khó mình trong công việc. Mình muốn một mình mình một ý rất khó như vậy. Dù bây giờ mình thể hiện mình không sợ gì hết, nhưng khi làm việc mình sẽ bị ảnh hưởng trong công việc hay thuyết phục sếp một điều gì đó.
Thầy Trong Suốt: Đó là em bị nỗi sợ làm phóng đại lên.
Bạn đó: Không, em thấy hợp lý chứ.
Thầy Trong Suốt: Không, nếu em cảm thấy mình không ăn được món đấy thì em đừng ăn, nhưng em phải tìm cách khác để gặp sếp. Thế là mình vẫn OK.
Bạn đó: Ví dụ trong nhà hàng đó mình có thể ăn những món khác, không nhất thiết phải ăn như vậy. Nhưng mình vẫn đi bình thường, mình có thể gọi các món khác ra trong menu (thực đơn), em thấy mình vẫn hoà đồng với mọi người.
Thầy Trong Suốt: Cũng được, phương án đấy cũng được. Khi mình sáng suốt rồi mình sẽ có rất nhiều phương án. Mình vẫn đến nhưng mình sẽ không bắt buộc phải ăn những các món người ta gọi nữa. Mình ăn kiểu riêng, ăn rau cũng được. Nghĩa là khi mình sáng suốt rồi, mình có quá nhiều phương án để chọn. Nhưng khi mình không sáng suốt, mình bị phóng đại lên. Mình cứ nghĩ buộc phải đến, buộc phải ăn những món đấy.
Bạn đó: Nhưng em có nghe một câu là: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả” thì ngay cả Bồ Tát còn sợ thì huống gì mình? Nghĩa là nỗi sợ giúp cho mình biết được những khó khăn thường trực?
Thầy Trong Suốt: À không phải, em hiểu nhầm câu đấy rồi, hiểu quá nhầm. “Bồ Tát sợ nhân” nghĩa là: Bồ Tát cẩn thận khi gieo nhân. Nhân là hành động Bồ Tát làm. Quả là kết quả người ta nhận. “Chúng sinh sợ quả” là gì? Là lúc gieo nhân, mình chẳng quan tâm gì cả, nói dối thoải mái, làm điều xấu thoải mái. Xong một ngày nào đó bị bắt quả tang thì bắt đầu ngồi lo không biết người ta xử mình thế nào – đấy là “chúng sinh sợ quả”. Lúc gieo nhân thì mình chẳng quan tâm, chẳng cẩn thận. Đến lúc quả đến một cái, mình sợ hãi. Suốt ngày mình đi lừa người khác xong rồi mình lo công an bắt – đó là một ví dụ “chúng sinh sợ quả” đấy. Cứ nói dối, nói xấu xong rồi lo người khác hiểu sai về mình. Quả sẽ đến thôi, nếu mình làm điều sai thì quả sẽ đến.
Chúng sinh sợ quả, Bồ Tát thì không sợ quả, Bồ Tát hiểu rằng đã gieo điều xấu thì điều xấu sẽ đến. Nên Bồ Tát không mất công sợ quả nhưng phải cẩn thận khi gieo nhân. Sợ nhân là gieo nhân cẩn thận, chứ không phải sợ nhân vì nhân có đến đâu mà sợ. “Bồ Tát sợ nhân” là Bồ Tát rất cẩn thận khi gieo bất kì nhân gì. Biết việc này nói dối sẽ được việc nhưng tôi sẽ không nói dối vì tôi sợ nếu tôi gieo nhân nói dối thì quả xấu sẽ đến, cho tôi và cho người khác. Đấy, sợ ở đây là cẩn thận chứ không hề liên quan đến nỗi sợ anh vừa nói đâu. “Bồ Tát sợ nhân” ở đây là cẩn thận khi gieo nhân xấu. Còn “chúng sinh sợ quả” là sợ hãi, lo lắng khi một việc mình đã gieo rồi và bây giờ quả mò đến mình không chịu nổi, mình sợ.
Bạn đó: Theo em nghĩ sự sợ cũng có nhiều tác dụng tốt trong cái cuộc sống của mình.
Thầy Trong Suốt: Đúng rồi. Nỗi sợ không xấu, nếu mình bị nó khống chế mới xấu. Nỗi sợ giúp mình cẩn thận. Ở đây mình không bài trừ nỗi sợ, những người hành động bị khống chế bởi nỗi sợ thì xấu. Bạn Thuỷ là ví dụ. Nếu bạn ấy nộp đơn mà không biết vì sao – đấy là dấu hiện bạn bị khống chế bởi nỗi sợ. Còn khi bạn biết vì sao rồi thì bắt đầu thoát ra khỏi sự khống chế của nỗi sợ. Nếu bạn ấy không hành động hoặc bạn ấy hành động một cách khác, chứng tỏ bạn hoàn toàn thoát ra khỏi nỗi sợ. Nỗi sợ chỉ làm mình cẩn thận thôi.
Hiểu rằng: “À, nếu mình quá tay thì ông chồng ông ấy buồn lắm đây”, thì mình sẽ cẩn thận. Mình sẽ đừng quá tay, nên hãy cẩn thận. Còn sợ là gì? Ví dụ bây giờ bạn ấy đang sợ này, bạn ấy nộp đơn mà không biết vì sao – là bạn đang sợ. Nhưng qua buổi này hy vọng bạn sẽ bớt sợ, không hành động vì nỗi sợ. Hành động vì nỗi sợ là hành động do nỗi sợ khống chế. Cái đấy luôn luôn xấu, vòng xoáy nỗi sợ sẽ đến. Em bị khống chế lần một sẽ bị khống chế lần hai, khống chế lần ba. Thì cách đơn giản để giải quyết nỗi sợ là chấp nhận nỗi sợ. Chấp nhận điều mình sợ có thể xảy đến trong đời mình. Trước đây anh có buổi trà đàm anh đã nói rồi, bài đấy tên là gì nhỉ?
Ngọc Nhân: “Đằng sau nỗi sợ là sự kỳ vọng”.
Thầy Trong Suốt: “Đằng sau nỗi sợ là sự kỳ vọng”. Tức là có thể dùng trí tuệ để giải quyết nỗi sợ. Nói hôm nay sẽ không đủ thời gian, nhưng nếu nghe bài đấy mọi người sẽ thấy đằng sau nỗi sợ là một sự kỳ vọng. Trong câu chuyện của bạn Thuỷ, bạn kỳ vọng một điều gì đó ở chồng mình? Em nên về nghe bài đấy, bài đấy đầy đủ hơn bài này nhiều. Bài này chỉ nói tại sao mình làm hài lòng người khác vì mình sợ thôi. Chứ còn muốn giải quyết nỗi sợ bằng trí tuệ thì khuôn khổ bài ngày hôm nay không đủ. Nhưng có bài Trà đàm đã có sẵn rất phù hợp: “Đằng sau nỗi sợ là sự kỳ vọng”.
Em muốn giải quyết các nỗi sợ thì em phải biết rằng tại sao mình sợ? Mình sợ vì mình kỳ vọng vào một điều gì đó, và mong rằng nó xảy ra hoặc không xảy ra. Mình kỳ vọng chồng mình sẽ yêu mình, mình sợ chồng mình ghét mình. Các em trong cuộc sống cứ kỳ vọng là có sợ. Em kỳ vọng sẽ đỗ đại học thì em sẽ sợ thi đại học, sợ trượt. Nếu em muốn giải quyết nỗi sợ đến tận cùng thì mình phải giải quyết được loại kỳ vọng đấy. Bài này có trà đàm rồi nên không cần nói nữa.
(Tham khảo thêm bài Trà đàm Đằng sau nỗi sợ là sự kỳ vọng: https://trongsuot.com/dang-sau-noi-so-la-su-ky-vong/)
Hôm nay mình nhấn mạnh ý: “Tại sao mình cố đi chiều lòng người khác?” Mình không biết tại sao cả, mình cứ nghĩ tôi sống thế thôi. Tôi quen sống thế rồi, bạn bè tôi sống thế, bố mẹ tôi sống thế, thì tôi cũng sống thế. Điều đấy không đúng. Nếu mình sống như vậy, rất có khả năng mình đang bị khống chế bởi nỗi sợ. Mình phải đi tìm xem tại sao mình đi chiều lòng người khác. Khi mình tìm, mình sẽ tìm ra được mình sợ cái gì.
Một là mình có sợ không, hay chiều lòng hoàn toàn vì yêu? Nếu thế thì tốt. Ít nhất là tốt lắm rồi vì không có nỗi sợ. Còn nếu mình nhìn ra nỗi sợ, mình sẽ không chấp nhận bị nỗi sợ khống chế, mình phải nhìn rõ nỗi sợ, giải quyết nó, rồi mới làm.
Làm thế nào để nhận ra nỗi sợ? Phải tìm nỗi sợ. Như hôm nay mình có buổi tìm nỗi sợ cho Thuỷ, sau khi tìm ra nỗi sợ rồi mình giải quyết nó bằng trí tuệ. Giải quyết xong, mình có quá nhiều lựa chọn. Hay như em nói lúc nãy trong trường hợp của bạn Nguyên, mình có thể vẫn đi nhưng mình ăn nhẹ nhàng thôi.
Khi mình giải quyết xong nỗi sợ, mình có rất nhiều sự lựa chọn. Khi mình không giải quyết được nỗi sợ thì nỗi sợ, nó bắt mình phải chọn một lựa chọn. Mình phóng đại lên mà. Đời chỉ có thế, không làm thế là chết. Nhưng khi mình giải quyết được nỗi sợ hoặc bớt sợ rồi, cuộc đời mình có quá nhiều lựa chọn và mình sẽ lựa chọn điều tốt đẹp nhất, sáng suốt nhất. Hoặc khi mình đã bị nỗi sợ khống chế rồi, mình nhìn việc gì mình cũng sinh ra sợ hết. Và nó đẩy mình vào một lựa chọn vòng xoáy của nỗi sợ. Nếu mình không nhận ra nỗi sợ, thì nỗi sợ này sẽ đẩy mình đến nỗi sợ khác, mình sẽ chui vào vòng xoáy của nỗi sợ mà không biết khi nào ra được.
Nếu bạn nào muốn sống hạnh phúc thì chắc chắn không thể sống trong nỗi sợ. Mình muốn giúp người khác, tại sao mình sợ giúp anh này, anh kia? Mình biết người này mình giúp được nhưng mình đến gần anh ấy người ta dị nghị lắm, lại không đến được. Như vậy là vì mình sợ. Không những mình làm cuộc sống mình không hạnh phúc, mình còn không giúp được người khác. Mình sợ nói bố mẹ mình biết sự thật. Mặc dù mình biết nói xong bố mẹ mình sẽ hiểu ra được nhiều điều. Bởi vì mình sợ. Nỗi sợ ngăn cản mình làm điều đúng. Nên nỗi sợ là kẻ thù của tình yêu. Càng sợ nhiều, càng yêu ít. Yêu mà sợ thì cũng chẳng làm được điều đúng nữa. Nỗi sợ sẽ làm ta đau khổ.
Một bạn nam: Anh cho em hỏi lúc nãy anh có nói để làm điều đúng thì tôi chấp nhận bị phán xét đúng không ạ?
Thầy Trong Suốt: Ừ.
Bạn đó: Nhưng mình là những chúng sanh có thể nói là phàm phu, không có đủ trí tuệ để mình xét những hành động mình đúng hay sai. Như mình làm một hành động mình nghĩ rằng mình không sợ, nhưng điều đó chưa chắc đúng, thì mình có nên tiếp tục làm điều đó hay không?
Thầy Trong Suốt: Lúc nào mình cũng phải xem đúng hay không. Trí tuệ là quá trình em phải tích tập, phải soi đi soi lại. Nếu mình đang làm dở mà mình thấy mình sai thì mình sửa. Mình đang làm dở, mình thấy lâu nay mình tưởng mình đúng, hóa ra mình sai, đương nhiên phải sửa rồi. Lúc nào cũng phải xem. Kể cả mình rất tự tin nhưng nếu mình cảm thấy việc này có vấn đề mình vẫn phải xem. Mình xem động cơ của mình. Và nếu mình đang tưởng mình đúng mà mình thấy mình sai thì mình sửa lại thôi. Sửa không bao giờ muộn đâu. Chỉ có sợ mới sinh chuyện thôi. Chứ còn nếu mình luôn đi tìm điều đúng thì mình sẽ tìm ra. Có sai nhiều lần mới tìm ra điều đúng được. Mà thực chất cuộc sống con người là thế đấy. Chẳng ai trở nên có hiểu biết, trí tuệ và trưởng thành nhờ toàn đúng cả mà chủ yếu do sai. Sai nhiều biết sửa thì thành đúng.
Bạn đó: Tức là ban đầu khi mình hành động, thì tuyệt đối hành động của mình không có nỗi sợ?
Thầy Trong Suốt: Mình cố gắng như thế.
Bạn đó: Còn chuyện đúng sai mình phải rèn luyện hằng ngày.
Thầy Trong Suốt: Mình cố gắng không sợ. Nếu mình cố gắng mà thấy cuối cùng mình đang làm sai gì đó. Ví dụ cũng là chuyện bạn Nguyên đi cho dễ hiểu. Bạn ấy quyết định đến buổi đấy để ăn, bạn ấy nhận ra là bạn sợ. Bạn sợ nên mới đến, thế là sai rồi đúng không? Bạn ấy cố sửa, ví dụ bạn ấy sửa bằng cách thôi không đến nữa, không đến tí nào nữa thì bạn tưởng thế là đúng. Nhưng chưa chắc đã đúng. Có khi vẫn phải đến để hoà đồng, nhưng hạn chế hành động. Nhưng bạn lại hơi cực đoan, bạn ấy không đến. Thế là lại sai một lần nữa.
Nhưng ngày hôm sau bạn nhận ra: “Thôi rồi, đành rằng bữa trước vì không sợ nên mình không đến, nhưng mình lại đi hơi quá, mình lại tạo ra một sự mất hoà đồng trong tập thể, lần sau mình sẽ sửa” Đấy thì bạn mua hoa đến, đúng không? Bạn nhảy múa, hát bài hát ca ngợi sếp và đồng nghiệp. Đấy, làm thế nào cũng được. Khi bạn không sợ, bạn sẽ dám làm những điều như thế. Còn nếu bạn ấy sợ, bạn ấy không dám mua hoa luôn. “Ôi người ta phán xét mình chết!”, đúng không? “Ai lại thế!”.
Minh Anh: Em lấy ví dụ được không ạ. Phòng em thỉnh thoảng lại đi ăn ba ba, những con ba ba tươi sống bơi trong bể ấy, các anh chị trong phòng chỉ có mấy người thôi, và có các sếp của mình luôn ấy. Thế là rủ em đi. Ban đầu em sợ lắm. Sợ phải giết chóc. Nên em bảo là: “Hôm nay em bận.” Lần sau người ta đến, người ta lại rủ đi em không đi nhưng nghĩ “Chết rồi, nếu lần nào mình cũng nói bận ấy người ta sẽ nghĩ mình đang có vấn đề gì đấy không muốn hoà đồng hay là gì đó.”
Sang lần thứ ba, bởi vì rất hay đi ăn ba ba nên người ta rủ thì em bảo là thôi, lần này một là mình đang sợ người ta phán xét mình là người không hoà đồng, không giao lưu với các anh chị, sống khép kín tách biệt với mọi người. Nên em bảo thôi kệ mọi người muốn phán xét gì cũng được, em chấp nhận. Sau đấy em quyết định em nói thẳng em không sát sinh cho nên em quyết định em không đi những buổi tiệc mà có sát sinh như thế. Thế là lần sau các anh chị đi ăn ba ba không rủ em nữa, nhưng đi ăn món khác lại rủ em.
Thầy Trong Suốt: Ừ, đấy, rất tốt, ví dụ đúng. Bạn ấy dũng cảm nói ra. Không sợ mà. Đầu tiên, bạn ấy sợ sát sinh nhưng về sau bạn phát hiện ra bạn còn nỗi sợ người ta bảo mình không hoà đồng. Sau bạn phát hiện ra một nỗi sợ nữa: sợ nói thật, nói thẳng. Và vượt qua từng cái một. Cuộc sống như vậy đấy. Không phải một phát em dẹp hết nỗi sợ đâu, không phải đúng ngay lập tức đâu. Sự thật là cuộc sống không ai đúng ngay lập tức được. Mà không ai nhìn hết mọi vấn đề được. Chỉ có dấn thân vào, thật sự cố gắng tìm Trí tuệ thì mình mới tìm ra được. Và mình chấp nhận sai. Trong quá trình đi tìm Trí tuệ, mình sẽ bị sai lầm. Đó là chuyện quá bình thường của quá trình đi tìm sự thật. Phải dấn thân vào. Còn nếu ngay từ đầu bạn ấy bảo: “Thôi em sẽ chiều các anh các chị, em sẽ cười ha hả khi nhìn con ba ba bị cắt tiết”, thì bạn ấy sẽ không bao giờ tìm được sự thật, bạn ấy sẽ không bao giờ giải quyết được nỗi sợ được.
Nên thực chất con đường ra khỏi nỗi sợ rất cần người dũng cảm. Lúc nãy mình nói một yếu tố thiếu, nhưng quan trọng là dũng cảm. Dũng cảm làm điều đúng. Những người nào làm được điều dũng cảm, người đấy sẽ tìm ra hạnh phúc. Phần thưởng chỉ dành cho những người dũng cảm. Phần thưởng không bao giờ dành cho người nhát gan. Nhát gan vì sợ. Những người mà nhát gan chỉ có sợ thôi. Cuộc đời họ sớm muộn gì cũng sẽ chẳng có phần thưởng nào hết. Nếu em dũng cảm đi tìm sự thật, em chấp nhận sai lầm, vượt qua nỗi sợ thì em sẽ có phần thưởng.
Phần thưởng cho dũng cảm rất sướng. Rõ ràng đối với bạn Minh Anh vừa xong, người ta đi ăn ba ba không mời bạn ấy nữa, mà ăn món khác vẫn gọi bạn ấy. Chứng tỏ bạn ấy có phần thưởng quá rõ chứ đúng không? Đấy là phần thưởng cho người dũng cảm. Nhưng để có phần thưởng đấy, bạn ấy phải vượt qua rất nhiều nỗi sợ và phải có những sai lầm nữa.
Thì những buổi trà đàm này động cơ là thay đổi nhận thức của mọi người. Để giúp mọi người có nhận thức đúng hơn về cuộc sống. Đấy là động cơ căn bản.