Vào thời Zangthalpa có một môn thể thao gọi là Bóng ném trí tuệ giúp cho người chơi vừa tăng cường sức khoẻ, vừa rèn luyện tâm mình. Các học trò của Zangthalpa rất thích môn bóng này vì quá trình chơi khiến họ học được rất nhiều bài học. Zangthalpa và học trò của thầy được mời tới Hà Nội tham dự vòng chung kết các đội mạnh.
Sau vài ngày thi đấu, lúc Zangthalpa đang ngồi ở sân bóng, có mấy học trò, dẫn đầu là Hồng Nhung, theo sau là Nhiệt Tâm, Minh Việt, Ngọc Tấn, Huệ Ori, Quang Hiệp mặt đỏ phừng phừng, bất bình chạy đến thưa: “Chết rồi thầy ơi, vừa có một biến cố lớn ở giải đấu! Trong trận đấu trước giữa đội của con là Voi Khổng Lồ với đội Vui Hưởng, tổ trọng tài đã bắt sai dẫn đến đội con bị thiệt và cuối cùng bị thua. Lúc trọng tài chính bắt lỗi, cả đội con đã hỏi lại tổ trọng tài nhưng ai cũng khăng khăng là họ nhớ đúng và họ chắc chắn bọn con đã phạm lỗi. Sau khi trận đấu kết thúc thì các khán giả trên sân, chuyên gia Vũ Cường, người tường thuật trận đấu Lê Sơn và Phan Chiến đều xác nhận là trọng tài đã bắt sai. Vậy thì kết quả trận đấu có được coi là sai không ạ? Chúng con đã đưa việc này lên ban tổ chức Ngọc Đức, Minh Thành và Minh Hải mà chưa thấy hồi âm. Đội trưởng Hà Anh cùng chuyên gia tranh tụng Pháp Nguyên của đội con đã dùng hết lý lẽ và nước mắt mà không thay đổi được kết quả trận đấu. Chúng con thật không cam lòng!”
Tổ trọng tài hôm ấy gồm Nhật Minh, Minh Dũng, và Vũ Đăng ăn năn: “Thưa thầy, chúng con cũng đã day dứt mấy hôm nay, không ăn không ngủ được. Chúng con cũng không hề muốn bắt sai để trận đấu thành ra như vậy. Nhưng mọi chuyện đã xảy ra rồi, các bạn phản đối căng thẳng quá, chúng con chịu không thấu! Không biết giờ phải sống sao?”
Zangthalpa mỉm cười: “Tổ trọng tài tin vào suy nghĩ của mình nên mới có đúng có sai. Đội Voi Không Lồ và Vui Hưởng tin vào kết quả trận đấu nên mới có sai có đúng. Để ta kể cho các con câu chuyện này, xem chấp vào đúng hay sai có còn ý nghĩa nữa hay không. Câu chuyện có tên là: “Cốc Cốc Cốc – Ai gọi đó?“
Ngày xửa ngày xưa ở vương quốc Vạn Bảo bình an và thịnh vượng nọ, có một nhà vua tên là Duy Nguyên. Con trai nhà vua là Nguyên Viễn. Chàng to cao và đẹp trai, nụ cười tươi với phong thái thanh lịch rất quyến rũ. Chàng thường hay giúp đỡ mọi người một cách thông minh và thiện xảo nên trở thành “soái ca” trong lòng các cô gái trẻ. Ngặt nỗi, chuyện thê tử của chàng lại muôn vàn chậm trễ. Mặc dù đã ba mươi có lẻ, được vây xung quanh toàn là mỹ nữ, nhưng chàng chẳng thích một cô nào. Điều đó thực sự làm triều thần gia tộc nhức nhối! Biết bao cuộc họp được đặt ra xoay quanh việc: “Vì sao Thái tử chưa lấy được vợ?” Người thì bảo phải cắt tiền duyên, người thì đề xuất cúng các vị thần tám phương mười hướng, rồi còn có những người nghi ngờ giới tính của chàng. Các cuộc họp vẫn chẳng thể đi đến hồi kết, các phương án đưa ra thì chỉ thấy chàng mỉm cười, và tìm cách gạt đi.
Thời gian cứ vùn vụt trôi, Đức vua Duy Nguyên một thời trai trẻ thông minh điềm tĩnh, nhưng giờ đây vì con mà tóc cũng đã rụng hói cả một phần đầu. Sau bao đêm trằn trọc suy nghĩ, vua quyết định triệu Thái tử vào hỏi chuyện nhỏ nhẹ: “Con hãy trả lời cho ta biết vì sao đến giờ này con vẫn chưa muốn lấy vợ?” Nguyên Viễn thủng thẳng trả lời: “Đời là giấc mộng, lấy vợ làm quái gì cha?”
Tuy rất ngạc nhiên, nhưng cũng là người thường xuyên đọc tụng kinh điển và tìm hiểu Phật Pháp, Đức vua bình tĩnh sau vài giây và nghĩ bụng: “Con mình có tu gì đâu mà biết đời là giấc mộng. Mình đọc kinh điển mãi mà còn chả tin. Nó từ bé đến lớn có đọc quyển sách nào? Giờ nếu ta hỏi tiếp nó cũng như không, thôi ta tìm kẻ thân cận của nó hỏi xem sao!”
Bên cạnh Thái tử có một tì nữ Vũ Trang là thân cận nhất. Nàng là một cô gái xởi lởi, hài hước, khôn ngoan, xinh đẹp nhưng không lộ ra ngoài. Vì những phẩm chất như thế mà tì nữ Vũ Trang được Thái tử lựa chọn làm kẻ hầu cận tin tưởng, những chuyện khó nói của Thái tử thì cơ bản Vũ Trang đều lắng nghe và mặc kệ.
Đức vua triệu tì nữ Vũ Trang vào để hỏi thì cô nhanh nhảu trả lời như sau: “Bẩm Đức vua, có hôm con đang canh cho chàng tắm thì nhà vua gọi gấp. Con gõ cửa ầm ầm gọi Thái tử đi nhưng thấy rất lâu sau chàng mới ra được. Con bèn thấy lạ nên mới đi vào, thấy cảnh nhà tắm đồ đạc đổ lung tung cả. Đi kiểm tra con mới biết hóa ra vì chân chàng quá to nên đụng đâu đổ đó. Theo con thì chàng không lấy vợ vì sợ va chạm đấy ạ!”
Nhà vua gật gù: “Ta nghe thấy thế còn có lý. Chứ “đời là giấc mộng” thì ảo quá!”
Hết sức sốt ruột, Đức vua Duy Nguyên gọi ngay Nguyên Viễn vào và kiên quyết bảo: “Ta sẽ tổ chức kén dâu cho con. Nếu đời là giấc mộng thì có vợ hay không, có khác gì nhau đâu?” Thế là hai cha con tranh cãi kịch liệt, Đức vua Duy Nguyên rướn cổ lên, mặt đỏ gay, nổi hết gân xanh trên cái đầu hói, quát lớn: “Mày mà không chịu lấy vợ thì tao sẽ tự tử!” Thái tử Nguyên Viễn dù bực tức nhưng từ từ dịu giọng: “Vâng thì thôi, giờ con sẽ lấy vợ. Thế nhưng bố mà không cho con kén vợ theo điều kiện của con thì con sẽ tự tử!” Ông bố Duy Nguyên mừng quá, đồng ý chấp thuận luôn mà chẳng hỏi thêm điều kiện là gì? Mấy sợi tóc trên cái đầu hói cũng rung rung phất phơ theo hơi thở phập phồng của Đức vua. Mệnh lệnh được ban đi nhanh chóng, lễ kén vợ cho Thái tử đẹp trai chân to được đồn đi khắp nơi và qua cả các nước láng giềng; cờ hoa phấp phới tung bay trong nhà ngoài ngõ. Quả là một sự kiện lớn!
Lũ lượt các cô nương, thiếu nữ danh gia vọng tộc từ khắp nơi đổ về trẩy “Lễ kén Thái tử phi” chật ních cả kinh thành. Mọi người bắt đầu bàn tán: “Thái tử sẽ ra điều kiện thế nào nhỉ?”, “Chắc là vòng một ai to nhất!”, “Hay ai sẽ nấu cho chàng bữa ăn ngon nhất!”,…
Thế rồi, ngày lễ trọng đại đã đến, mọi ánh mắt đổ về phía cấm thành nơi đó Đức vua, Hoàng hậu và các triều thần cùng đang chờ đợi câu trả lời của Thái tử. “Nào con trai của ta, giờ các thiếu nữ danh giá từ khắp nơi đã ở đây. Con hãy đưa ra điều kiện của con đi!” Một phút im lặng trôi qua, Thái tử lướt mắt một lượt từ trên xuống dưới, từ gần đến xa rồi trả lời: “Thưa cha, điều kiện của con vô cùng đơn giản. Ai muốn làm vợ con thì trong vòng ba tháng phải đọc thuộc Bát Nhã Tâm Kinh bản trung và trình diễn trước toàn thể bá quan văn võ. Cũng không khó, bản trung chỉ có 10,000 chữ thôi ạ!”
Lời chàng còn chưa dứt thì tiếng lao xao trong đám đông rộ lên: “Bát Nhã Tâm Kinh là gì?”, “Đến tận 10,000 chữ thì ai mà nhớ được?” Rồi dân chúng xì xào, rằng: “Bát Nhã Tâm Kinh là kinh điển cao nhất của Nhà Phật, đọc chưa chắc đã hiểu mà còn bắt thuộc lòng cả 10,000 chữ thì làm thế quái nào được?” Có người nói: “Tôi đọc nó đã mấy chục năm nay còn chẳng hiểu thì sao mấy cô gái bập bẹ chữ nghĩa hiểu được kinh điển ấy mà đọc thuộc được?” “Haizz, đúng là Thái tử không định lấy vợ mà!”, “Thôi để lấy chồng mà như vậy thì quá ghê!”, “Thái tử thì đẹp và giàu đấy nhưng mà cành cao quá, thôi về về!”
Thế là dòng người lũ lượt ra về. Nguyên Viễn nghĩ thầm trong bụng “Quá hay! Những người ở lại sẽ phải là người đầy quyết tâm, hoặc là… những người rất mê trai đẹp.” rồi mủm mỉm cười. Đức vua tưởng rằng đã không còn ai ở lại, nhưng cuối cùng vẫn còn lại ba cô gái đến cuối mãi vẫn đứng yên, không thấy rời đi. Thấy vậy Ngài liền gọi ba cô đến gần. Vua vừa vuốt râu vừa cười: “Lại đây, lại đây. Các người sẽ thi chứ? Dễ mà. Dễ mà!”
Ba cô đồng thanh: “Dạ thưa Đức vua, thần xin thi ạ!”
Cười tít cả mắt, Đức vua vội vàng: “Các ngươi tên gì? Quê quán nơi đâu. Hãy nói cho ta cùng bá quan và Thái tử được biết?”
Cô thứ nhất với khóe mắt biết cười cất giọng lả lơi: “Thưa Đức vua, con tên là Minh Huế – xuất thân họ Vũ, từ hồ Trúc Bạch, xung quanh rủ bóng liễu dài thướt tha.”
Cô thứ hai, miệng cười chúm chím ánh mắt long lanh: “Thưa Đức vua, con tên Minh Ngọc – xuất thân họ Tôn Nữ, đến từ xứ Huế và có nhiều mộng mơ.”
Cô thứ ba, tóc dài chấm gót, mắt tựa hồ sen dáng người phúc hậu “Thưa Đức vua, con tên Như Thủy – xuất thân Sài Gòn, nhà con nghề làm bánh, bán kèm với kem.”
Vua cười khà khà: “Được được. Ba con đều đẹp, ta thích ta thích!” Gật gù, quay sang nhìn Thái tử; Đức vua cất lời: “Nào nào! Lại đây lại đây! Gặp Thái tử phi tương lai của con đi nào!” Thái tử mắt đã sáng lên, nhưng cũng giả vờ thờ ơ: “Được rồi, các nàng đã nghe kỹ điều kiện của ta rồi đấy. Hẹn ba tháng sau tái ngộ!” Nói rồi đi thẳng ra cửa không thèm chào một tiếng.
Lại nói về Minh Ngọc – Minh Huế – Như Thuỷ – cả ba cô đều chả biết Bát Nhã Tâm Kinh là cái quái gì nhưng vì mê giai nên mới quyết tâm đi tìm hiểu.
Trong vùng có một đại sư nổi tiếng tên là Minh Khuê. Các cô lò dò tìm tới và xin đại sư chỉ dạy. Minh Huế là chị cả trong ba cô lại gần nhỏ nhẹ nói: “Thưa đại sư, chúng con một lòng muốn học thuộc Bát Nhã Tâm Kinh để làm Thái tử phi. Trong ba tháng chúng con phải thuộc được Bát Nhã Tâm Kinh bản trung dài 10,000 chữ thì mới có hi vọng. Mong đại sư rộng lượng chỉ giáo!”
Đại sư liếc mắt: “Bát Nhã Tâm Kinh là thứ dễ học vậy sao? Các con phải biết là nếu không hiểu mà học thì khó như thế nào. Thôi vào đây, thương tình ta chỉ cho các con. Ai hiểu được thì hiểu, không hiểu được thì về!”
Rồi đại sư bắt đầu: “Bát Nhã Tâm Kinh là bộ kinh nói về trí tuệ hoàn hảo bờ bên kia của Phật Pháp. Gọi là bờ bên kia vì nó là trí tuệ siêu việt, vượt qua mọi loại trí tuệ thông thường của thế gian vốn dựa trên sự đối đãi, đúng sai, hơn kém… của thế giới thông thường. Người nào ngộ được chân lý về tính không trong Bát Nhã Tâm Kinh sẽ hoàn toàn hết mọi nhầm lẫn, tự do tự tại ngay giữa luân hồi. Đây là trí tuệ mà ba đời chư Phật đều nương vào để đạt tới sự giác ngộ hoàn hảo…”
Nghe nói như vậy, các cô không nản lòng mà còn quyết tâm học tập nhiều hơn. Sau ba tháng miệt mài “Sắc” với cả “Không”, cả ba cô với sự thông minh tuyệt đỉnh đã thuộc lòng bản Bát Nhã Tâm Kinh 10,000 chữ. Các nàng đi thi đều đọc trôi chảy khiến cả triều đình tròn mắt ngạc nhiên. Đức vua vui như mở cờ trong bụng liền tổ chức đại tiệc. Nhà vua ưng ý cả ba cô và phím với Thái tử Nguyên Viễn là lấy luôn ba vợ để Vua có khả năng tăng cháu nội gấp ba lần. Thế nhưng, Thái tử Nguyên Viễn lạnh lùng trả lời rằng: “Con chỉ muốn lấy một người thôi. Cả ba cô, cô nào cũng xinh đẹp tài giỏi tốt bụng thế này, sẽ rất khó chọn lựa nên con nghĩ ra một đề bài mới là: Cô nào thuộc được Bát Nhã Tâm Kinh bản dài 100,000 chữ trong vòng một năm thì con sẽ lấy làm vợ.”
Ba cô buồn vui lẫn lộn, người thì tràn đầy hy vọng, người thì thất thểu ra về. Tưởng rằng cưới được Thái tử ai dè còn khó hơn nữa. Ba người đến gặp đại sư Minh Khuê. Trong ba cô có Minh Ngọc lúc bắt đầu đi thi thì mắt sáng long lanh, khi về mắt cũng long lanh nhưng đầy nước. Hít một hơi thở sâu, dõng dạc cô nói “Thôi! Đời còn dài giai đẹp còn nhiều. Em đi kiếm thằng nào đó rồi rủ nó đi chơi, chứ em không thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ này nữa. Chào các chị, em “té” đây!”
Thế là Minh Ngọc ra về còn lại Minh Huế và Như Thuỷ ở lại học tiếp Bát Nhã Tâm Kinh 100,000 chữ. Lúc này, Đức vua rất sốt sắng muốn có con dâu nên đã dồn sức xây một khu riêng để các cô vào nhập thất, hằng ngày có người phục vụ cơm nước tận nơi, chỉ việc chuyên tâm dùi mài kinh sử. Đức vua tiếp tục chờ đợi và hi vọng.
Một năm sau, đúng ngày đúng tháng thì hai người bước ra khỏi thất. Khi đến trước mặt bá quan văn võ và Thái tử, cô nương Như Thủy dõng dạc đọc trọn 100,000 chữ Bát Nhã Tâm Kinh, rồi nói: “Thưa Đức vua, con đã ngộ được giáo lý Bát Nhã. Sắc chính là Không, Không chính là Sắc. Chàng chính là Không. Không chính là Chàng. Chẳng có lý do gì để lấy chồng cả nên con sẽ về quê lập chùa, hoằng dương chánh pháp, phổ độ chúng sinh. Xin cáo từ!” Nói rồi, trước ánh mắt kinh ngạc của mọi người nàng quay người, phẩy áo, đi thẳng.
Chỉ còn lại mình nàng Minh Huế, lại với dáng điệu thướt tha – trong trẻo cất lên 100,000 chữ Bát Nhã Tâm Kinh – tất cả đều ồ à thốt lên kinh ngạc. Tiếng xì xào bàn tán: “Dân chúng mà biết Thái tử Phi tương lai giỏi thế chắc là ngất hết!”
Ai ai cũng nghĩ rằng Thái tử sẽ gật đầu vì nàng Minh Huế vừa thông minh xinh đẹp vừa tài giỏi. Đối với Nguyên Viễn mặc dù trong lòng rất ưa thích và muốn cưới nàng nhưng nghĩ bụng: “Phải làm cao tí nếu không thì sau này lại bị lên mặt vì nàng cho rằng mình giỏi.” Chàng cất lời: “Nàng đọc rất hay. Bây giờ ta chỉ có một yêu cầu cuối cùng là nàng hãy học thuộc Bát Nhã Tâm Kinh bản đầy đủ một triệu chữ trong vòng 3 năm. Nếu nàng không làm được cũng không sao, ta vẫn cưới như thường. Ta dùi mài kinh sử đã lâu, không những thuộc bản 10,000 chữ, 100,000 chữ, mà ngay cả bản một triệu chữ ta cũng thuộc làu, nên nếu nàng thuộc được thì ta sẽ lấy nàng trong sự tôn thờ. Còn không thì nàng sẽ lấy ta trong sự tôn thờ.” Minh Huế nghe xong liền bật cười: “10,000 chữ ta thuộc được; 100,000 chữ ta thuộc được thì một triệu chữ có là gì? Vậy chàng hãy chờ ta ba năm. Ta vào thất đây!” Nói rồi nàng quay về am thất.
Kể từ ngày nghe nàng Minh Huế đọc Kinh Bát Nhã, một phần vì phục nàng giỏi giang một phần thích vì nàng đẹp quá. Mà chân của Nguyên Viễn mấy năm nay lại chẳng dùng làm gì ngoài những việc cơ bản, nên chỉ mong ngóng chờ cho hết ba năm. Rồi ngày trọng đại cũng đến, trong lòng hăm hở, Nguyên Viễn không cần chờ hầu cận gọi nàng ra, mà đích thân đến gõ cửa phòng Minh Huế: Cốc cốc cốc …
Minh Huế hỏi: “Ai gọi đó?”
Nguyên Viễn đáp: “Ta đây, ta là Thái tử Nguyên Viễn đẹp trai, chân to đây. Hãy ra đây và cưới ta. Dù nàng thuộc hay chưa thuộc, thì ta vẫn sẽ cưới nàng.”
Minh Huế được nước lên giọng: “Câu trả lời không đạt. Chàng thuộc lòng Bát Nhã Tâm Kinh mà chẳng ngộ chút nào. Hãy về đọc lại Bát Nhã Tâm Kinh bản ngắn 300 chữ 1000 lần, suy ngẫm cho kỹ rồi quay lại đây trả lời thiếp. Nếu trả lời đạt, thiếp sẽ mở cửa cho chàng vào, và thưởng cho một cây kem để ăn trước cổng luôn.”
Sau 3 ngày, Nguyên Viễn quay lại và gõ: Cốc cốc cốc…
“Ai đó?” – tiếng hỏi trong phòng vọng ra. “Ta là Nguyên Viễn.”
Minh Huế cười nhẹ: “Câu trả lời không hợp lệ. Chàng hãy về đọc Bát Nhã Tâm Kinh bản ngắn 10,000 lần và cố ngộ ra, rồi tháng sau quay lại đây gặp em.”
Một tháng sau, Nguyên Viễn lại tới và: Cốc cốc cốc…
– Ai gọi đó?
– Ta là gió.
– Nếu là gió, xin mời đi.
Nguyên Viễn thấy quái lạ: “Gió là một hình ảnh về tính không, hiện ra nhưng không có thật. Nó không thực sự có gì, nhưng lại biểu hiện là mát. Quá chuẩn rồi còn gì nữa! Tưởng nói gió là cao thủ rồi sao vẫn bị đuổi về?”
Minh Huế nói vọng theo: “Tốt nhất chàng nên đọc 100,000 lần Bát Nhã Tâm Kinh!” Nguyên Viễn lần này hết sức hụt hẫng và nhận ra mình cần phải chứng ngộ sự thật trong Bát Nhã Tâm Kinh mới có thể cưới được cô gái trí tuệ này. Chàng nghĩ thầm: “Mình sẽ đọc 100,000 lần hay một triệu lần đến khi nào chứng ngộ được sự thật thì thôi. Ngày nào còn chưa chứng ngộ thì mình còn chưa ra khỏi thất. Thậm chí đời này ở luôn trong thất, không lấy được vợ cũng chẳng sao.”
Ở gần khu nhập thất của Minh Huế, có một toà lầu tên là Vọng Tiên Lâu. Kể từ hôm nói chuyện xong với Minh Huế, Thái tử Nguyên Viễn dọn hẳn đến đây, miệt mài đêm hôm, khuya sớm dành sáu tháng để đọc 100,000 lần và suy ngẫm về Bát Nhã Tâm Kinh. Sau mỗi đêm dùi mài kinh sử, Thái tử lại tự thưởng cho mình một buổi sáng vọng cảnh, nhìn sang phòng của Minh Huế và ngắm nàng từ xa. Còn nàng Minh Huế hàng ngày mặc quần áo mỏng manh đi ra đi vào. Với sự tinh tế của mình, Minh Huế mặc đồ rất khêu gợi, đẹp nửa kín nửa hở. Nếu hôm nào Nguyên Viễn mong là hở thì lại rất kín, hôm mà Nguyên Viễn mất hi vọng, tưởng là sẽ kín tiếp thì nàng lại mặc rất hở. Vì thế mà chàng Nguyên Viễn bị mắc thêm chứng bệnh chảy máu cam mãn tính. Tì nữ Vũ Trang lúc đó rất xót xa, đẹp trai, chân to mà sao khổ thế? Nàng bèn viết giấy để ở cửa phòng: “Hay là chàng bỏ con bé đấy đi. Em hứa là nếu chàng chọn em thì em sẽ chăm sóc chân của chàng cẩn thận suốt đời.” Nguyên Viễn sau nhiều ngày ngâm cứu, đạo lý đã tinh thông, viết giấy đưa ra: “Chân tức thị không, không tức thị chân. Nhà ngươi đừng mơ đến chân của ta nữa.”
Thời gian thấm thoắt, sáu tháng sau Nguyên Viễn bước ra khỏi phòng với phong thái thong dong tự tại, nụ cười và ánh mắt không còn như xưa. Chàng đến cửa phòng của Minh Huế: Cốc cốc cốc…
Minh Huế mừng thầm “Giờ thì chàng đã tu luyện xong rồi. Bõ công bao lâu chờ đợi!” Nàng cất giọng nhẹ nhàng nhất có thể : “Ai gọi đó?”
“Ai hỏi đó?” – Nguyên Viễn hỏi lại.
Minh Huế giật mình, biết là Nguyên Viễn đang thử mình, nàng đáp: “Không ai cả!”
Nguyên Viễn cười lớn: “Nàng trả lời sai rồi!”
Minh Huế thắc mắc lắm: “Vậy trả lời thế nào mới đúng?”
Nguyên Viễn điềm tĩnh: “Nàng hỏi lại đi để ta nói!”
Minh Huế hồi hộp: “Ai hỏi đó?”
“Không ai cả.” – Nguyên Viễn trả lời.
Ngay lúc đó, Minh Huế liền ngộ đạo, đạp cửa xông ra, ôm chầm lấy Nguyên Viễn hôn đắm đuối.
Zangthalpa ngừng kể. Những tiếng ồ à ngơ ngác trong đám đông. Quang Hiệp, một thành viên trong đội Voi Khổng Lồ vừa kêu oan lúc nãy đứng lên hỏi: “Sao Nguyên Viễn bảo Minh Huế trả lời sai mà lại trả lời y hệt như thế nhỉ? Tại sao Minh Huế lại ngộ đạo được? Lại còn đạp cửa xông ra, mất hết cả hình ảnh đoan trang. Giảm giá trị toàn tập!”
Zangthalpa mỉm cười “Cùng một câu trả lời, nhưng nếu xuất phát từ trạng thái khác nhau thì ý nghĩa lại khác nhau”.
Đám học trò nhăn trán suy nghĩ vẫn không tài nào hiểu được. Hồng Nhung lúc đầu mặt còn đỏ gay đỏ gắt, nghe xong truyện thì lại rất suy tư: “Sao lại thế được ạ? Cùng một câu trả lời mà Minh Huế nói thì Nguyên Viễn bảo là sai, còn chàng nói ra thì lại bảo là đúng? Con thật không hiểu nổi. Xin thầy giải đáp cho chúng con.”
Lúc này, Zangthalpa mới chậm rãi trả lời: “Khi có tiếng gõ cửa, Minh Huế hỏi “Ai gọi đó?” nhưng Nguyên Viễn không trả lời. Chàng đáp lại bằng một câu hỏi khác, ấy chính là để thử Minh Huế. Nàng trả lời “Không ai cả” là đúng với Pháp Vô Ngã”.
“Nguyên Viễn nói Minh Huế trả lời sai thực chất là muốn kiểm tra thêm xem trình độ về Pháp của nàng đến đâu, có còn chấp vào đúng sai nữa hay không. Và khi nàng hỏi lại “Vậy trả lời thế nào mới đúng?” có nghĩa là vẫn còn tin rằng thực sự có đúng và sai ở trên đời này. Cảm nhận được lòng thực tâm cầu đạo của nàng, nên Nguyên Viễn mới phá chấp cho Minh Huế bằng cách yêu cầu nàng hỏi lại “Ai hỏi đó?” Vì còn tin vào đúng sai nên Minh Huế chờ đợi một câu trả lời đúng, nhưng khi nghe thấy câu trả lời của Nguyên Viễn giống hệt câu trả lời “sai” của mình, nàng chợt nhận ra đúng sai không thực sự có. Nên cùng một câu nói, lúc thì bảo là đúng, lúc lại bảo là sai mà không hề mâu thuẫn gì. Đúng sai chỉ là những khái niệm mà một tâm trí còn mê lầm mới tin vào. Vậy thực sự trên đời có gì là đúng hoặc sai hay không?
“Ngay khi Nguyên Viễn nói câu đó thì Minh Huế nhận ra mình đang chấp vào đúng sai, đang chấp vào nội dung của suy nghĩ trong khi mọi thứ trên đời hoàn toàn không hề có tự tính. Đây chính là cốt tuỷ của bộ Bát Nhã Tâm Kinh hàng triệu chữ mà nàng đã học thuộc bấy lâu. Đến đây thì Minh Huế thực sự cảm nhận được tinh tuý của Bát Nhã Tâm Kinh, hốt nhiên đại ngộ”.
Nghe giảng xong, tất cả học trò của Zangthalpa đều trầm ngâm suy ngẫm về những lời thầy nói. Cả hai đội tham gia trận Bóng Trí Tuệ không còn muốn dồn sức vào việc tranh đấu về quyết định của trọng tài là đúng hay sai nữa, vì đúng sai cũng chỉ là tương đối mà thôi. Họ hài lòng chấp nhận kết quả vừa xong, tập trung vào rèn luyện để chuẩn bị cho các trận đấu sắp tới. Tổ trọng tài cũng không còn áy náy và tự trách mình sai nữa, họ tập trung vào nâng cao trình độ và kinh nghiệm để tiến bộ hơn. Ban tổ chức có được bài học để chú ý cải thiện công tác trọng tài cũng như hoàn thiện luật để chất lượng giải đấu tốt hơn. Tất cả những người tham gia đều thấy được vẻ đẹp của môn bóng này, và nhận ra rằng thể thao không quan trọng là thắng hay thua mà quan trọng là được chơi, được học bài học của mình, được thay đổi và trưởng thành.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng thường dành rất nhiều thời gian vào việc tranh cãi đúng sai, đau khổ khi bị cho là sai, và cố gắng tìm mọi cách để chứng minh rằng mình đúng. Những lúc như vậy, ta quên mất rằng đúng sai chỉ là những quan điểm, và ai cũng chỉ đang cố gắng để làm điều mình cho là tốt nhất.
Thầy Trong Suốt kể tại Hà Nội, tháng 9/2016
—
Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 46: Người giàu, Người nghèo và chiếc đồng hồ