Những vạt nắng hè đã tắt từ lâu trên con phố cũ, không khí dần dần dịu xuống với từng làn gió thoảng từ mặt hồ xanh thẫm, lấp lánh ánh đèn. Thong dong ngồi xuống bên nhóm học trò, thầy Zangthalpa gọi một ly bia lạnh để thưởng thức cùng món mực nướng đang tỏa hương thơm phức. Cô chủ quán tuổi trung niên ân cần mang khay đồ uống vàng ươm và mát lạnh tới cho khách hàng. Nhiều lần, từ sau quầy hàng, cô đã thoáng nghe những lời khuyên chí lý của thầy dành cho đám học trò. Khi ấy, gia đình đang gặp phải nhiều khó khăn tài chính, cô đã mạnh dạn mở lời hỏi thầy nên làm sao để sớm bán được nhà, và được thầy ban cho biệt danh để thỏa lòng mong ước.
Với chất giọng hiền từ và ấm áp, Zangthalpa hỏi: “Thế nào rồi Kim Thúy Bán Nhà, mong muốn của con giờ đã thành hiện thực hay chưa, con đã mãn nguyện chưa?”
Zangthalpa gật gù thông cảm: “Quan trọng là phải có trí tuệ, còn cả cuộc đời con mong ước trong vô minh, thì dù có hết lần này tới lần khác được thỏa mãn, rồi con cũng lại khổ mà thôi. Ta sẽ kể cho các con nghe một câu chuyện có tên là: “Ước gì được nấy có sướng không?”
- Tiệm cơm chay bán thịt bò
Ngày xửa ngày xưa ở một đất nước hình chữ S nọ, có một nữ văn sĩ xinh đẹp và đa tình mới nổi tên là Trầm Hương. Văn sĩ Trầm Hương có một quán chay rất đông khách, ngày ngày các tu sĩ qua lại ăn uống nườm nượp. Trong vùng có một bậc giác ngộ tên là Vũ Tâm rất thương người thường xuyên đi hành khất để hoá độ chúng sinh. Biết có một người như thế, muốn hóa độ, ngài bèn quyết định đến quán Trầm Hương. Khi đại sư đến quán, ngài với thân hình to béo, ngồi phịch xuống rồi gọi một đĩa thịt bò thật lớn không hề có trong thực đơn. Bà chủ quán thấy Đại sư trông béo tốt, thầm nghĩ: “Sư gì mà lại vào quán chay gọi thịt bò? Thường ngày có ăn chay không mà sao lại béo thế kia?” Đầy thắc mắc và nghi ngờ, nhưng với lòng tôn kính dành cho các bậc tu hành, Trầm Hương vẫn tất tả đi mua loại thịt bò hảo hạng để chế biến cho vị thực khách đặc biệt này. Rất tò mò nên Trầm Hương lân la bắt chuyện. Đại sư cũng hỏi thăm cuộc đời của nữ sĩ, thấy rằng cuộc sống, công việc đều ổn, duy chỉ có yêu đương là bấp bênh, ái tình lận đận.
Đại sư Vũ Tâm mở lời khuyên giải hướng Trầm Hương theo con đường tu hành thì mới mong thoát khổ. Nhưng nữ sĩ Trầm Hương nghĩ thầm trong bụng: “Mình còn chưa hưởng lạc hết cuộc đời này, tu hành hơi phí. Bao nhiêu vương quốc mình còn chưa qua, bao nhiêu cảnh đẹp mình còn chưa ngắm, bao nhiêu của ngon vật lạ trên đời mình còn chưa nếm, bao nhiêu trai đẹp mình còn chưa hưởng”. Nghĩ đến đây, nàng cười nhạt lắc đầu. Thế nhưng lời khuyên của Đại sư cũng nhen nhóm trong lòng nàng một mong muốn thầm kín. Sau hồi lâu trò chuyện, nàng nhận ra đây là một bậc trí tuệ và uyên bác phi thường, nhưng nàng vẫn khăng khăng: “Tu hành thì khổ lắm, mình còn phải hưởng lạc đã”. Nàng xin cúng dường Đại sư thịt bò bảy món hảo hạng do chính tay nàng tận tâm chuẩn bị, và cung kính tiễn Đại sư ra về.
Đại sư biết là chưa đủ duyên cứu được nên chỉ nhận cúng dường rồi bỏ đi. Trong vòng một năm sau đó, có đôi lần Đại sư tiện đường lại ghé thăm tiệm cơm chay của Trầm Hương. Và lần nào nàng cũng tận tay xuống bếp chuẩn bị món thịt bò thơm ngon để cúng dường ngài với tất cả lòng thành kính. Nàng rất thích nói chuyện với Đại sư vì bất kỳ khúc mắc nào của nàng cũng được Đại sư giải đáp. Nàng hoàn toàn khâm phục và tin tưởng Đại sư, thế nhưng mỗi lần Đại sư khuyên nàng chuyển tâm, thì câu trả lời cuối cùng cũng là: “Từ từ đã, cuộc đời này có quá nhiều thứ con còn chưa nếm trải. Trai Tây, trai Ta, trai Nga, trai Mỹ, trai Tuy Ni Di, trai Thổ Nhĩ Kỳ, trai gì con cũng chưa được nếm. Con muốn hưởng hết những thú vui của thế gian này rồi mới tu. Bây giờ đối với con chắc chắn là chưa đủ”.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, đến khi Đại sư chuẩn bị đi sang vùng khác, ngài mới đến và nói với nàng rằng: “Thực chất ta là một bậc giác ngộ, muốn đến cứu độ con, nhưng tiếc là ta đã dùng rất nhiều lời khuyên bảo mà con vẫn chưa đủ duyên nghe theo được. Tuy nhiên, nhờ công đức cúng dường một bậc giác ngộ với một tâm thành kính, con sẽ có một khả năng là: Trong ba đời liên tiếp, con ước gì trước lúc lâm chung cũng sẽ thành hiện thực. Có điều, ta cảnh báo con là do sự tham lam của con, nếu không cẩn thận với điều ước của mình thì con sẽ tiếp tục bị đau khổ!” Nghe xong nàng thầm nghĩ: “Có lẽ nào trên đời thực sự có thứ gọi là ước gì được nấy?”. Lòng nàng bán tín bán nghi. Tuy vậy, nàng cũng tạm biệt Đại sư một cách cung kính.
Có ai ngờ hồng nhan yểu mệnh, văn sĩ Trầm Hương sớm lâm chung mà chưa kịp hưởng gì, đến khi hấp hối người thân mới đến hỏi nàng: “Con có ước mong gì chưa thoả nguyện không?”
Trầm Hương suy nghĩ một hồi: “Thực sự là đời này mình còn quá nhiều thứ chưa nếm. Mình muốn được đời sau sang một đất nước kỳ thú ở một châu lục khác, hưởng lạc nơi đó!”
Trầm Hương nghĩ: “Bây giờ mà mình sang Tây Ban Nha thì có rất nhiều trai đẹp. Cả đời mà chỉ chung thủy một anh thì cũng phí lắm!”. Lúc này nàng mới cất lời:
– Nếu có ước nguyện cho đời sau, con mong được tái sinh ở Tây Ban Nha, là một cô gái rất xinh đẹp, rất quyến rũ và có khả năng là xin ai cái gì thì được cái đấy.
Khi nàng vừa nói xong thì trút hơi thở cuối cùng.
- Xin gì cũng cho
Vì công đức cúng dường một bậc giác ngộ rất nhiều nên điều ước trước khi chết của nàng đã trở thành hiện thực. Nàng tái sinh sang Tây Ban Nha, làm con gái trong một gia đình trung lưu. Nàng vô cùng xinh đẹp và có một khả năng đặc biệt là: Xin ai cái gì cũng được cho. Nếu ra đường gặp một anh chàng đẹp trai, nàng chỉ cần thỏ thẻ: “Anh ơi, em muốn…” lập tức điều gì nàng xin đều được như ý.
Giống như đời trước, Trầm Hương cũng mở một nhà hàng ngay giữa thủ đô Madrid của đất nước Tây Ban Nha có tên là Hợp Chủng Quốc. Nhà hàng của nàng rất đông khách, tây, ta đủ cả, đặc biệt thực khách đều là đàn ông rất đẹp trai. Bất kỳ lúc nào nàng xin một điều gì đó thì đều được đáp ứng. Nàng đã hoàn toàn thỏa mãn được lời nguyện khi lâm chung ở đời trước. Nàng cứ sống như vậy đến khoảng ba mươi lăm tuổi, thì đã gặp gỡ, hẹn hò và xin một vài thứ từ đàn ông ở khắp nơi trên thế giới, từ trai Tây, trai Ta, trai Nga, trai Mỹ, trai Tuy Ni Di, trai Thổ Nhĩ Kỳ, trai gì nàng cũng đều đã từng nếm qua.
Tuy nhiên, lòng tham thì vô đáy, nàng nghĩ: “Giờ mình đã đến tuổi 35, tất cả các thể loại trai mình đều đã từng nếm trải. Tình đã đủ rồi bây giờ mình thiếu mỗi tiền. Mình phải tìm cách kiếm tiền. Mà tiền kiếm từ việc mở nhà hàng thì lâu giàu lắm, cố lắm cũng chỉ giàu vừa phải thôi”. Ngẫm lại ba mấy năm cuộc đời, nàng chợt nhận ra mình có khả năng xin gì là người ta cho. Thế là nàng nghĩ: “Tại sao mình không đi xin nhỉ, tội gì?”
Khi ấy nhà vua Tây Ban Nha sắp mất. Ngài là một người rất hào phóng và thông thái. Khi biết mình chuẩn bị mất thì ông quyết định là tài sản sẽ phân ra làm đôi: Một nửa để thừa kế, còn một nửa sẽ phân phát cho nhân dân. Trầm Hương nghe tin đấy thì như mở cờ trong bụng bởi việc của nàng chỉ cần xin thôi! Nàng thì lại rất tự tin vào khả năng xin của mình. Thế là Trầm Hương tức tốc đến gặp nhà vua.
Với vẻ đẹp tuyệt mỹ, Trầm Hương dễ dàng vượt qua tất cả các cửa ải đến gặp được Đức vua. Nàng cung kính nói: “Xin bệ hạ hãy để cho thần phần tài sản mà Ngài định ban cho dân chúng”. Nhà Vua nghe xong không hiểu tại sao nhưng lại cảm thấy hết sức thuyết phục. Là một người thông thái, ngài đương nhiên sẽ không trao ngay nửa tài sản cho Trầm Hương. Nhà vua nói: “Của cải của ta rất nhiều, cô tiêu không xuể đâu. Ta sở hữu một vùng đất rất rộng lớn quanh cung điện này. Ta có thể cho cô toàn bộ mảnh đất ấy, nhưng tốt hơn là cô tự xác định vùng đất của mình. 6 giờ sáng mai cô đến đây, nhận một lá cờ để đánh dấu vùng đất mà ta sẽ cho cô, tính từ cung điện đến lá cờ cô cắm. Cô cứ đi xa bao nhiêu cô có thể, đi xa được bao nhiêu thì ta sẽ cho bấy nhiêu. Toàn bộ đồi núi, sông suối, làng mạc, tài nguyên trong vùng của lá cờ sẽ là của cô. Nhưng có một điều kiện, là cô phải quay về trước 6 giờ chiều. Nếu cô không quay về trước 6 giờ chiều thì coi như thỏa thuận này bị hủy. Cô sẽ không nhận được gì hết!”
Nghe xong, Trầm Hương sung sướng hăm hở tạ ơn và từ biệt nhà vua. Nàng trở về ngủ một giấc thật ngon, mơ một giấc mơ thật đẹp. Trong mơ nàng trở thành một người phụ nữ vừa giàu có với bao nhiêu đất đai và tài sản, lại vừa xinh đẹp mỹ miều. Ngày hôm sau, đúng 6h sáng, nàng có mặt tại cung điện và cầm cờ đi luôn. Đến mười hai giờ trưa, đã hết một nửa thời gian so với giao hẹn, lẽ ra phải quay về. Nhưng nàng lại nghĩ: “Giờ mình đi cố thêm một tiếng nữa là được 5 km rồi, chỉ cố một tí mà được thêm những mấy cái hồ vô cùng thơ mộng. Từ đầu đến giờ mình đi toàn đồi núi thôi, dinh thự chỉ có đồi núi mà không có hồ thì làm sao đủ hoành tráng. Lúc đi thong thả nên mới lâu như vậy, còn lúc về mình sẽ chạy cho nhanh. Mất sức mà thêm được cả cái hồ thì cũng đáng. Sao từ đầu mình không nghĩ đến điều này nhỉ?”
Nàng nghĩ thế và lại hăm hở lên đường. Đến 1 giờ chiều, trước mặt có mấy mỏ đá quý, nàng thốt lên: “Ôi giời ơi, liều thì mới ăn được nhiều, 2 giờ mình về vẫn kịp. Cố lên chút nữa là x2 tài sản. Đi 8 về 4, thì khó gì đâu. Chỉ việc chạy nhanh gấp đôi lúc đi thôi. Làm được, cố làm được, mình sẽ làm được”. Thế là nàng đi thêm 1 tiếng nữa. Đến 2 giờ chiều, lòng tham lại nổi lên, nàng nghĩ: “Nếu mà cố lên gấp đôi được thì cố lên gấp 3 cũng được. Vì mình đi thêm 1 km nữa là bao nhiêu núi rừng, đất đai rơi vào tay mình hết, sau này mình tha hồ mà hưởng giàu có”. Trầm Hương cặm cụi đi đến 3 giờ, biết là đến lúc phải về, nàng co giò lên chạy. Nàng cứ chạy, chạy mãi, cắm cúi mà chạy. Nhưng do trên đường đi đã tốn quá nhiều sức lại bị lòng tham thúc đẩy, chỉ mải đi mà không ăn uống gì, tốc độ chạy của nàng không thể gấp 3 lúc đi được. Cuối cùng nàng kiệt sức, lăn xuống hẻm núi và chết. Trước khi chết, trong lúc thoi thóp, nàng nghĩ: “Đời này của mình, chỉ vì một chút tính toán sai không thì đã được hưởng sự giàu sang, giờ lại sa chân nằm đây. Ước gì đời sau mình sẽ sẵn có luôn hoàn cảnh sống mà mình mong muốn”
Vừa nghĩ như vậy, bỗng một vị sư béo ục ịch, đầu tỏa hào quang hiện ra, từ bi hỏi: “Trên đời có hai hoàn cảnh sống người ta thường mơ: Một là nuôi được cả thiên hạ, và hai là được cả thiên hạ nuôi. Giờ ta cho con tự mình chọn lựa, con muốn kiếp sau của mình sẽ thế nào?”
Thầm nghĩ mình đã phải nỗ lực quá nhiều rồi mà chẳng đi đến đâu, giờ còn phải đi nuôi cả thiên hạ thì sức nào mà kham nổi. Trầm Hương khẩn khoản: “Thưa Đại sư, xin cho con trở thành người được cả thiên hạ nuôi ạ”. Vừa ước xong thì nàng tắt thở.
- Được cả thiên hạ nuôi
Với lựa chọn chỉ hưởng cho riêng mình, Trầm Hương mau chóng tái sinh vào một gia đình đông con, có bề dày lịch sử 9 đời ăn xin truyền kiếp, chỉ sống nhờ vào đồ ăn và đồng tiền của thiên hạ. Sáng sáng, nàng và các anh chị em được cha mẹ phát cho những mẩu bánh mì và trái cây mà người ta bỏ đi. Với cái bụng vẫn còn trống trải, họ cầm những chiếc mũ có thêu tên mình, lên đường đi vào kinh thành ăn xin.
Chẳng phải làm gì cả, Trầm Hương chỉ cần chìa cái mũ ra đã có đồ ăn. Dù không dư giả gì, nhưng thực phầm thừa và quần áo cũ thì chưa bao giờ thiếu. Trầm Hương thường được nhiều người quan tâm và cho đủ thứ, từ tiền tới đồ ăn và trang phục. Nàng luôn là gương mặt ăn xin sáng chói nhất trong vùng. Cứ như thế tới già, hàng ngày nàng vẫn lọm khọm vác mũ ra đường và hưởng đời ăn xin đến tận 80 tuổi.
Trước khi chết, những ký ức về đời trước từ đâu bỗng ùa về, tái hiện sống động trong tâm trí. Nàng cầu nguyện tới Đại sư Vũ Tâm, thiết tha mong chờ ngài cứu giúp. Đùng! Một tiếng nổ lớn, Đại sư hiện ra trong làn khói mịt mù, cất giọng nói: “Nhà Phật có câu “Mọi hạnh phúc trên đời đều đến từ việc mong muốn hạnh phúc cho người khác. Mọi khổ đau trên đời đều đến từ việc mong muốn hạnh phúc cho riêng mình. Ta đưa ra lựa chọn ‘nuôi cả thiên hạ’ vốn để mở cho con đường tới cuộc sống của một vị Nữ Vương, trị vì và chăm lo cho một đất nước an bình, trù phú. Nếu biết nghĩ cho người khác thì con đã nhận được phần thưởng này. Đến giờ con đã muốn tu hành hay chưa?”
Nước mắt lăn dài, Trầm Hương nức nở: “Đại sư ơi, kiếp này con nghèo khổ quá! Con chưa muốn tu đâu. Con vẫn mong rằng kiếp sau sẽ được hưởng một cuộc sống đầy đủ và có những thứ mà ngay cả người giàu cũng mơ ước”
- Người giàu cũng mơ ước
Do nghiệp tốt của việc cúng dường một bậc giác ngộ ở đời trước, đời sau nàng tái sinh thành một bác nông dân cấy trồng rất giỏi, sống đầy đủ và sung túc. Đúng năm ấy cả tỉnh bị hạn hán. Nhưng Trầm Hương lại có tài năng và kinh nghiệm đặc biệt nên riêng mảnh đất của bác thì vẫn tươi tốt. Hạn hán khốc liệt đến mức người giàu cũng không còn thức ăn huống chi người nghèo. Người chết đói la liệt, những người còn sống sót thì lũ lượt bỏ sang tỉnh khác kiếm ăn.
Cùng tỉnh đó có một phú bà tên là Huệ Thảo, giàu có nức tiếng, tiền của không để đâu cho hết. Phú bà tuy giàu nhưng cũng không có thức ăn nên đành phải lên đường rời bỏ quê hương. Toàn bộ đàn gia súc của bà, gồm cả trâu, bò, ngựa… đều đã chết đói hết và bị xẻ thịt ăn. Phú bà Huệ Thảo gom tất cả tài sản quý giá của mình thành một bao tải đầy vàng và ngọc ngà châu báu, trị giá phải đến cả một tòa thành. Phú bà vác bao tải vàng trên lưng lặc lè đi bộ sang tỉnh khác kiếm ăn. Còn bác nông dân Trầm Hương, tuy là canh tác tốt, thức ăn không thiếu, nhưng cả vùng đã bỏ hết đi hết, xung quanh hàng xóm láng giềng chẳng còn ai nên cũng nghĩ: “Thôi, ở lại đây làm gì, vùng đất chết, mình phải đi thôi”. Thế là Trầm Hương ra đồng gặt, thu hoạch xong rồi vác một bao tải gạo cùng nhập vào đoàn di dân.
Khi mọi người nhìn thấy cảnh bác nông dân Trầm Hương vác bao gạo trên đường thì ai cũng vô cùng ao ước, kể cả những người nổi danh giàu có như phú bà Huệ Thảo. Mọi người thèm thuồng lắm, nhưng không đủ sức để mà cướp vì đói quá. Ai đi qua cũng hỏi Trầm Hương có bán gạo không. Họ khẩn khoản xin mua một vốc gạo chỉ để đủ sức đi đường. Nhiều người sẵn sàng đánh đổi hết tài sản họ có mang theo. Người thì 5 lạng vàng, người thì 10 lạng bạc, người vét sạch túi cũng chỉ có 2 đồng. Nhưng giờ tiền bạc đâu còn quan trọng nữa. Họ sẵn sàng đổi hết chỉ để lấy 1 vốc gạo thôi. Lòng tham lại nổi lên, Trầm Hương nghĩ: “Nhiều người muốn mua thế kia! Mà chẳng ai có gạo để bán. Thôi, bán cho họ thế này thì vẫn còn rẻ quá!”
Trầm Hương có nhiều thức ăn nên không bị đói, khoẻ mạnh nhất trong đám người di cư. Bác đi phăm phăm, vượt qua cả phú bà Huệ Thảo. Phú bà đói quá, thèm thuồng nhìn vào bao gạo của Trầm Hương và gạ: “Chị Trầm Hương ơi, chị bán cho tôi cân gạo ăn để qua được cơn đói này, còn có sức sang được tỉnh bên cạnh”. Trầm Hương đã để ý cái bao mà phú bà Huệ Thảo khệ nệ vác trên vai bèn hỏi: “Chị có gì để đổi?” Phú bà mới để bao tải xuống và mở ra. Trời ơi! Trầm Hương lóa mắt vì vàng với ngọc, sáng rực rỡ. Trầm Hương tính toán một hồi và bảo: “Thôi, tính tôi là không thích lẻ tẻ, chị mà đổi cả bao vàng của chị lấy bao gạo của tôi thì tôi mới đổi”. Trầm Hương nghĩ: “Món này thật là hời! Cả cái bao tải vàng ngọc ấy phải tích trữ cả đời, thậm chí cả mấy chục đời mới có. Còn mình thì một năm làm ra được cả nghìn bao gạo, nếu mà phú bà đồng ý đổi thế thì quá sướng rồi còn gì!”
Nghe xong Phú bà rất mông lung, không biết tính thế nào. Nhưng may mà Huệ Thảo trước đấy cũng từng gặp một Đại sư, đặt cho tên có chữ Huệ ở đấy. Huệ có nghĩa là trí tuệ từ trên cao nên Huệ Thảo khá là thông minh. Sau khi nghĩ một hồi thì bà đồng ý đổi theo yêu cầu của Trầm Hương. Trầm Hương mừng rú lên: “Trời ơi đất ơi, tôi giàu nhất thế giới, giàu nhất đất nước này rồi, sướng quá”. Trầm Hương sướng lắm, cười không nhặt được mồm, đổi bao gạo của mình lấy bao vàng ngọc của Huệ Thảo. Bà nghĩ rằng mình vác bao vàng ngọc này, đi thêm một ít nữa là sang tỉnh khác rồi, mình sẽ đổi vàng và sống sung sướng ở tỉnh ấy.
Trầm Hương sướng lắm, cười không nhặt được mồm, đổi bao gạo của mình lấy bao vàng ngọc của Huệ Thảo
Quay lại chuyện Huệ Thảo, sau khi đổi được bao gạo từ Trầm Hương, bà dừng lại lấy gạo ra nấu, ăn uống, nghỉ ngơi, dần hồi phục sức khỏe. Bên cạnh đấy, vì rất thông minh nên bà cũng bắt đầu bán số gạo trong bao. Bà bán vài lạng gạo đổi lấy vàng. Sau khi đi được vài chục cây số, Trầm Hương bắt đầu thấy Huệ Thảo vượt lên trước mình. Lúc này Huệ Thảo đã có nửa bao vàng và còn nửa bao gạo. Trầm Hương thì có nguyên một bao vàng ngọc. Đường xa, trời thì oi bức, lại chẳng có gì ăn, Trầm Hương bắt đầu đói lả ra không còn sức vác nổi bao vàng. Bỏ đi thì tiếc, Trầm Hương cố sức đặt cả bao vàng trên lưng, lê từng bước một nặng nhọc, cho đến khi hai chân khuỵu xuống, ngã lăn ra đất và bắt đầu mê sảng.
Trong lúc mê sảng, chuẩn bị trút hơi thở cuối cùng Trầm Hương nhìn thấy một linh ảnh trước mặt – chính là Đại Sư Vũ Tâm từ đời trước. Nàng nhìn thấy Đại sư rất quen thuộc và ngay lúc ấy nhớ được những kiếp trong quá khứ của mình. Đại sư ân cần hỏi: “Con thấy ta nói đúng chưa? Con khổ không phải vì thiếu thốn, mà khổ vì có đủ nhưng vẫn tham lam. Nếu như vừa xong con chỉ đổi nửa bao gạo lấy nửa bao vàng cho Huệ Thảo thì có phải bây giờ con đã có đủ cả vàng và gạo rồi không? Nhưng con đã để lòng tham nuốt mất nên giờ đây mới bị chết đói trên đống vàng. Lòng tham không bao giờ thỏa mãn được. Còn muốn nữa là còn khổ. Biết đủ thì sẽ hạnh phúc. Cả ba đời con đều vì tham mà khổ. Mọi vấn đề của con đều đến từ lòng tham và điều này chỉ có thể giải quyết được nếu như con tu hành đúng đắn”
Trầm Hương chợt nhận ra, tỉnh ngộ, rưng rưng nước mắt thầm phát nguyện với Đại sư: “Con xin hứa với đại sư, từ đời sau trở đi, con xin đi theo đại sư tu hành cho đến ngày hoàn toàn giác ngộ”
Đúng lúc ấy, Huệ Thảo đi ngang qua, nghe được toàn bộ câu chuyện giữa đại sư và Trầm Hương, bà chợt nghĩ: “Ui, chỉ thế thôi à, quá dễ, không ngờ có cái trò ước phát được luôn, hay thật!” Ngay lúc linh ảnh Đại sư còn ở đấy Huệ Thảo sụp xuống lạy xin: “Con xin cúng dường Đại sư tất cả chỗ vàng này, Ngài muốn sai khiến con cái gì cũng được, Đại sư muốn xây chùa con xin xây, Đại sư muốn dựng cầu, con xin dựng. Con chỉ giữ lại bao gạo này thôi. Còn tất cả chỗ vàng con xin cúng dường”. Đại sư cười bảo: “Tại sao con không tu đi?” Huệ Thảo mới thưa: “Không, con còn muốn hưởng một đời sung sướng như là Trầm Hương, ước gì được nấy, con nghe thấy mà mê quá, từ bé đến lớn chưa bao giờ con đạt được cái chuyện ước gì được nấy cả, quá mê”
Đại sư gật đầu: “Được, thôi bây giờ số tiền này con mang đi xây chùa và cúng dường Tăng đoàn cho ta. Nhưng mà con nhớ phải tu hành, còn nếu không dù con có ước gì được nấy con sẽ vẫn khổ.” Huệ Thảo nghe đến ước gì được nấy sướng quá, chỉ còn nhớ được nửa trước mà quên mất phần phải tu hành. Bà nghĩ: “Uớc gì được nấy thì phải hưởng lạc chứ. Mình đã mất cả một bao châu báu chỉ để đổi lấy mỗi điều ước đấy thôi, bây giờ không tân dụng nó thì quá dại!”
Sau khi Đại sư biến mất, Huệ Thảo sang tỉnh bên và bắt đầu thực hiện lời hứa với đại sư. Bà đi xây dựng chùa chiền, cúng dường Tam Bảo. Thời gian thấm thoắt trôi, bà trải qua một đời bình yên. Một ngày nọ Huệ Thảo biết mình sắp chết, bà nhớ lại chuyện Trầm Hương trước kia ước gì được nấy.
Lúc lâm chung, bà thầm nghĩ: “Ước gì đời sau mình sống ở một chỗ nào đấy mà thứ nhất là xung quanh mình đầy vàng bạc châu báu, ngọc ngà. Thứ hai là mình không bao giờ bị thiếu ăn cả, luôn luôn có đủ đồ ăn, xài cả đời không hết. Đời này dù sao mình chỉ có mỗi bao gạo thôi, còn toàn bộ tiền thì đã cúng dường rồi”. Bà mải mê nghĩ đến những điều ấy mà không hề ước gì liên quan đến tu hành. Nghĩ xong bà nhắm mắt xuôi tay.
- Chuột sa chĩnh gạo
Ở một đất nước nọ, có một ông vua vô cùng giàu có, gọi là Minh Phong đại đế. Ông là một nhà vua rất tài giỏi, đánh chiếm khắp nơi. Cứ đến nước nào là chiếm được nước ấy. Sau mỗi trận đánh, tất cả vàng bạc châu báu của vùng đánh chiếm được ông mang về hoàng cung. Ông có một kho báu vô cùng rộng lớn. Tất cả các nhà vua khác đều ao ước.
Trong một lần xâm chiếm quốc gia nọ, ông thu được một bảo bối gọi là: Hạt gạo ngũ sắc. Thân hạt gạo có năm màu: Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng. Khi trồng hạt gạo ngũ sắc ấy sẽ mọc lên một loại gạo đặc biệt, người nào ăn hạt gạo đấy thì có thể sống rất trường thọ. Nhà vua Minh Phong sướng quá đem về và dành riêng một cánh đồng để trồng và nhân giống hạt gạo quý. Quả nhiên sau khi thu hoạch, những người ăn loại gạo ấy đều trở nên khỏe mạnh, bao nhiêu bệnh tật liền tiêu tan. Nhà vua mới nghĩ rằng: “Gạo này quả là quý giá, nếu mình không cất gạo giống đi, thì chỉ cần một cơn bão tới là tan nát hết. Như thế thì thật là phí, bao nhiêu công sức đánh chiếm các nước mới có được giống gạo quý như vậy”
Nhà vua Minh Phong là một người rất cẩn thận, có một cánh đồng gạo kỳ diệu rồi vẫn sợ hết. Thế nên nhà vua mới cho làm một cái hũ rất to và đẹp bằng hồng ngọc ở giữa kho vàng bạc châu báu của mình. Ông sai một viên quan tên là Minh Nhi quản kho. Vào mỗi vụ thu hoạch, hũ gạo giống luôn được ưu tiên đổ đầy trước khi gạo được đem phân phát. Đến mùa sau, gạo giống cũ sẽ được thay hoàn toàn bằng gạo mới. Bình thường các kho châu báu của nhà vua không có thực phẩm, nhưng riêng kho châu báu này thì chứa đầy hạt giống gạo kỳ diệu.
Do nghiệp tốt của việc xây chùa chiền và cúng dường Tam Bảo, cùng với lời cầu nguyện của Huệ Thảo trước khi chết, bà tái sinh làm một con chuột, sống ngay giữa cái kho châu báu ấy. Chú chuột Huệ Thảo sống giữa vàng bạc châu báu và không bao giờ sợ đói vì có ngay hũ gạo quý ở bên cạnh. Huệ Thảo ăn gạo ấy vào thì không bị bệnh tật gì, sống trường thọ, không bao giờ đói vì viên quan quản kho mỗi mùa vụ đều đổ đầy gạo vào bình.
Huệ Thảo là một con chuột lạc đàn, tự nhiên đi vào trong kho, cho nên thấy vô cùng sung sướng vì tất cả những gì nó ao ước không những được thành hiện thực mà còn hơn tất cả những con chuột khác. Nó cảm thấy cứ như mình là vua của loài chuột ấy. Những con chuột khác thì không ở trong kho ngọc ngà châu báu, phải sinh, già, bệnh, rồi chết sớm. Thế là nó tận hưởng sung sướng lắm bởi vì nó lúc nào cũng có gạo để ăn. Ngày này qua ngày khác, nó ăn, ăn vào, ăn vào. Đầu tiên thì nó ăn gạo ở trong chĩnh, vừa vào cung điện nhà vua kiếm thêm miếng này miếng khác. Vì nó sợ ăn nhiều quá thì hết mất chĩnh gạo. Cung điện nhà vua Minh Phong to lắm, nó cứ đi, lúc thì vào nhà bếp, lúc vào chỗ chuồng ngựa, ăn và sống rất hạnh phúc. Tự do tự tại trong cái hoàng cung đấy. Sống giữa châu báu, ăn thì toàn các thứ phong phú, lại có loại gạo không bệnh. Đầu tiên thì nó sợ hết, tuy nhiên sau này nó cũng phát hiện ra cứ khoảng 3 tháng, lại có viên quan Minh Nhi đến đổ đầy hũ gạo.
Nó bắt đầu hiểu rằng: “À, gạo này không bao giờ hết. Cứ 3 tháng sẽ có người đến đổ gạo mới thì còn phải lo gì đâu!” Nó tự nhủ: “Tội gì mình phải đi ăn thứ khác nữa”, rồi quyết định lập luôn đại bản doanh ở trong chĩnh gạo đấy. Ăn, sống trong đấy rất sung sướng. Đầu tiên ăn khoảng 5cm gạo thì nó định nhảy ra ngoài chơi. Xong nó nghĩ: “Nếu mình ra ngoài bây giờ như thế này, nhỡ có một con chuột khác, nó nhảy vào chiếm chỗ của mình. Mình vào được thì con chuột khác cũng vào được. Không được, mình phải ở đây để quản lý chỗ này, con chuột nào đến thì đuổi đi luôn. Với cả thứ 2, ăn ngon như thế này tại sao lại đi đâu. Mà thức ăn còn ê hề, có gì đâu phải lo, cứ 3 tháng lại được đổ đầy thì lo gì”. Một thời gian sau nó ăn vơi đi 10cm gạo, nó định nhảy ra ngoài để kiếm thức ăn khác, nhưng lại nghĩ rằng: “Nếu trong quá trình mình đi…”. Lại như lần trước, nó quyết định ở lại canh giữ chĩnh gạo.
Nó cứ ăn hết ngày này qua ngày khác mà chẳng đi đâu. Đến một ngày bỗng giật mình nhận ra chĩnh gạo đã vơi đi quá nửa. Bình thường chú chuột chỉ cần nhảy phốc một cái là ra luôn. Nhưng giờ đây với thân hình béo múp, hai chân trở nên ngắn tủn, nó chới với không thể nhấc nổi mình lên. Dù có cố hết cách cũng không thể nhảy ra khỏi chĩnh gạo. Gạo đã quá thấp, thân hình đã quá nặng nề, miệng chĩnh trở thành một cái đích quá xa vời. Nó tìm đủ mọi cách để thoát ra nhưng vô vọng. Chiếc bình bằng hồng ngọc không tạo cho nó bất kỳ chỗ bám nào. Ngày ngày vẫn phải ăn, hũ gạo cứ thế dần dần vơi đi. Nghĩ lại những ngày ăn uống ngập mồm, nó ân hận và thèm thuồng lắm. Nhưng dù có cố dè sẻn cách mấy cũng đến lúc chỉ còn vài hạt gạo còn sót lại. Chuột ta chết vì đói, không kịp chờ đến ngày chĩnh gạo được đổ đầy.
Nó tìm đủ mọi cách để thoát ra nhưng vô vọng. Chiếc bình bằng hồng ngọc không tạo cho nó bất kỳ chỗ bám nào. Ngày ngày vẫn phải ăn, hũ gạo cứ thế dần dần vơi đi. Chỉ vì lòng tham muốn có là có mãi, không muốn ai lấy mất, con chuột Huệ Thảo đã bị chết đói ngay trong chính chĩnh gạo mà nó nghĩ không bao giờ hết. Chú chuột tưởng rằng nó sẽ hạnh phúc và được hưởng thụ mãi mãi trong chĩnh gạo thần kỳ, nhưng cuối cùng lại chết vì lòng tham và bám chấp. Trước khi nó chết linh ảnh của Đại sư lại hiện ra: “Con đã thấy chưa? Con đã có một cuộc sống đẩy đủ đúng với ước nguyện của con. Lẽ ra con đã có thể hưởng thụ sung sướng cả đời, nhưng cuối cùng lại bị chết đói. Cái chết của con là cái chết vì bám chấp. Hạnh phúc không đến từ việc con có cái gì, mà đến từ việc con còn bám chấp vào những gì con có hay không. Ngay khi con có bám chấp là con đã bắt đầu khổ rồi. Không phải con canh chĩnh gạo mà chính chĩnh gạo đã canh con”. Huệ Thảo tỉnh ngộ, nước mắt lưng tròng quyết chí tu hành.
Ở đời sau, Huệ Thảo và Trầm Hương gặp lại do cái duyên đổi bao gạo và lời thề nguyện với Đại Sư Vũ Tâm. Hai người trở thành huynh đệ, quyết chí tu hành và giác ngộ ngay trong một đời.
Zangthalpa ngừng kể. Các học trò ai cũng thấy thú vị với câu chuyện. Nhiều người không giấu nổi lo lắng kiểm tra xem mình có từng thề nguyện gì với ai không, có ao ước nào bám luyến vào luân hồi không.
Một học trò tay chắp thành búp sen, cung kính thưa: “Thưa thầy, con thấy các nhân vật trong truyện này quá tham lam. Những điều ước của họ chỉ nhằm mang lại hạnh phúc cho riêng mình. Hành động thì bị lòng tham điều khiển, không bao giờ biết đủ. Nên lẽ ra họ đã có thể hưởng sung sướng rồi thì lại bị chết trước khi được hưởng những gì mà họ ao ước. Ngay cả khi những điều ước thành hiện thực thì hoá ra lại tái sinh thành một con chuột trong kho báu, tưởng là hưởng lạc, nhưng lại quá vô minh. Họ cứ tái sinh mãi trong vòng luân hồi đầy đau khổ này, cho đến khi nhận ra bài học của mình”
Zangthalpa gật đầu hài lòng: “Lời ước, nếu không xuất phát từ trí tuệ thì dù điều ước có thành hiện thực cũng sẽ vẫn đau khổ mà thôi. Luân hồi có thể biểu diễn ra những cảnh kỳ diệu, đúng với nguyện lực của con, nhưng kết quả thì có khi lại hoàn toàn trái với những gì mà con tưởng tượng. Thế nên hãy cẩn thận với những điều ước của mình. Và các con hãy nhớ rằng, nếu một bài học mà con chưa học đủ thì nó sẽ quay lại nhiều lần, thậm chí là từ kiếp này sang kiếp khác”
Lúc này, Kim Thuý Bán Nhà đã có thể nở một nụ cười bình an: “Trầm Hương đã gặp một bậc giác ngộ từ rất sớm mà phải trải qua ba kiếp luân hồi với những ảo mộng thế gian mới quyết tâm tu hành. Con nay đã không còn thấy việc bán nhà hay gia đình tan vỡ là quan trọng nữa, con chỉ còn ước mong tu hành giác ngộ mà thôi. Xin thầy hãy chỉ dạy cho con!”
Từng cơn gió mát lành làm vơi đi cái oi bức của mùa hè, hoà chung với niềm hoan hỉ của thầy trò Zangthalpa khi thấy một người thực sự chuyển tâm về Pháp.
Trong Suốt kể tại Đà Nẵng ngày 28 tháng 10 năm 2015
—
Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 45: Cốc, cốc, cốc – Ai gọi đó?