Câu chuyện dành cho những người từng khóc vì mất mát.
Làng trên xóm dưới đang rộn ràng đưa tin vị cư sĩ Zangthalpa chuyên kiếm tiền và du lịch, lại kể chuyện rất hay ghé thôn Bát nhã. Cả thôn rủ nhau ra bờ sông, chỗ triền đê rộng và mát để gặp ông.
Zangthalpa ngồi khoanh chân trên thảm cỏ, cười hiền từ nhìn những gương mặt háo hức hướng về phía ông, Zangthalpa hỏi dân làng: “Hôm nay các vị muốn nghe tôi kể chuyện gì?”
Một cô gái trẻ giơ tay: “Thưa…, Ngài thật là sung sướng được đi khắp nơi, sống một đời tư do tự tại. Xin Ngài chỉ cho tụi con cách nào có thể đi được như Ngài, ít nhất là ra khỏi lũy tre làng này, chứ con thấy nếu cứ ở đây thì đến lấy chồng cũng khó, có rất ít lựa chọn. Mà lấy chồng xong rồi sau này chả biết sẽ như thế nào… Con muốn đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự cơ! Vì nếu con ở đây lấy chồng, sinh con, có thể giàu có, hạnh phúc hôm nay. Nhưng nếu một ngày vợ chồng không hòa hợp, chồng con bỏ đi, hay anh ấy gặp phải các rủi ro, mất đi sức khỏe, tính mạng, thì hạnh phúc cả đời con gây dựng, và chỗ dựa duy nhất, chỉ trong phút chốc thôi sẽ tan thành mây khói”, nói đoạn cô đưa ánh mắt xót thương pha chút sợ hãi sang phía người đàn bà ngồi gần đó.
Không ai bảo ai, tất cả đều quay về phía bà vợ ông trưởng giả của làng. Chẳng là cả tháng nay, cả làng đều biết tin ông trưởng giả đã dọn hết của nả sang thôn bên để sống với cô vợ trẻ mới, để bà trưởng giả âu sầu vì mất chồng, mất tài sản, mất cả danh dự. Bà thấy mình mất hết, nên ngày ngày cứ lang thang trên đường làng, mồm lẩm bẩm “Mất rồi! Mất rồi!” Ai cũng nhìn bà đầy thương cảm, nhưng không ai khuyên được bà tỉnh táo trở lại.
Zangthalpa trầm giọng: – Đúng! Những điều mà hôm nay có, ngày mai mất thì không thể đem lại hạnh phúc thật sự. Vậy hạnh phúc ấy có thể được tìm thấy ở đâu? Để ta kể cho cô và mọi người nghe một câu chuyện. Câu chuyện này dành tặng cho những ai đã từng và đang khóc vì mất mát.
Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất trù phú và giàu có của vương quốc nọ có mười người con gái tuyệt sắc giai nhân, lại đa tài, công dung ngôn hạnh, cầm kỳ thi họa đều nức tiếng. Các nàng mang những cái tên đẹp tương xứng như người là: Ngọc Tuyết, Minh Trang, Minh Nhi, Diệu Quyết, Nguyên Hồng, Ngân Hoa, Minh Phương, Vũ Vân, Pháp Nguyên và Vũ Trang.
Mười cô gái chơi rất thân với nhau từ tấm bé. Là con nhà gia thế, lớn lên trong sự sung túc và luôn tràn ngập tiếng cười, thấm thoắt các nàng đã đến tuổi cập kê. Nhưng lạ thay, dù tiếng đồn về sắc đẹp và công dung ngôn hạnh lan khắp vương quốc, tuyệt nhiên không có một người đàn ông nào xuất hiện đến ngỏ lời cầu hôn. Lúc đầu các nàng còn chưa để ý, nhưng ngày qua ngày, ngày nào mười cô gái cũng chỉ nhìn thấy mặt nhau, chẳng có bóng dáng chàng trai nào, sự bặt tăm bắt đầu trở thành nỗi canh cánh trong lòng.
Đến một ngày, Nguyên Hồng không thể nhịn nổi nữa, nàng cất tiếng hỏi các chị: “Các chị à, mười chị em chúng ta đều là những người con gái nổi tiếng xinh đẹp và tốt bụng; vậy mà khắp vùng không có lấy một chàng trai nào tìm đến? Nếu chỉ là riêng em thì còn có thể hiểu được, đây cả mười chị em mình đều như vậy thì thực là quá khó hiểu? Theo các chị thì sao?”.
Nghe thế, Pháp Nguyên bèn nói: “Có phải vì chị em chúng ta quá giỏi giang và kiêu hãnh nên không người con trai nào dám tới ngỏ lời không nhỉ?”.
“Hay là vì tụi mình công dung ngôn hạnh chuẩn chỉnh quá nên mẹ các chàng không biết khuyên con mình chọn ai?” Minh Phương cười nói.
“Hay là các chàng chưa biết đường?” Vũ Trang ngây thơ hỏi.
Mỗi nàng đưa ra một lý do khác nhau nhưng cuối cùng không ai lý giải nổi.
Cũng vào thời đó, ở vùng đất bên cạnh có mười chàng trai nổi tiếng đẹp trai tài giỏi cũng chưa có ý trung nhân.
Cuối cùng, Minh Trang – vốn tính chín chắn, trầm lặng nên được coi như chị cả, ra quyết định: “Thôi thì trâu không đi tìm cọc, thì cọc đành đi tìm trâu vậy. Chúng ta không thể chết già mà không có chồng được. Bây giờ ý chị thế này, chúng ta sẽ mua chim bồ câu rồi viết thư gửi cho các chàng, báo cho các chàng biết về mười cô gái xinh đẹp đang chờ đợi họ.”
Nói là làm liền, các nàng chạy ngay ra chợ mua chim bồ câu, thả chim bay đi và hy vọng sẽ có chim bay về. Hôm đầu các nàng thả 1 con, mà không thấy tăm hơi gì. Lần tiếp các nàng thả 2 con, rồi 5 con, 10 con; nhưng vẫn bặt vô âm tín. Thất vọng và chán nản, nhưng các cô gái vẫn quyết theo đuổi việc thả chim tìm chồng đến cùng. Các nàng rủ nhau ra chợ mua hết cả chợ được 100 con chim rồi thả cho bay đi. Họ viết những nét chữ thật đẹp, thật tha thiết, gửi hết lòng mình vào từng bức thư. Thế nhưng, ròng rã nhiều ngày, chim bay đi đã cả trăm con mà không có lấy một con bay về.
Quá sốt ruột, Ngân Hoa bèn hỏi: “Vì sao chim bay đi không thấy trở về. Có phải chim không bay được đến nơi?”.
Ngọc Tuyết cả ngày chỉ ngửa cổ lên ngắm bầu trời rộng lớn, không nói câu nào, bỗng nhẹ nhàng lên tiếng: “Có khi thế thật chị à. Bầu trời rộng quá, thành phố kia xa quá. Có thể chim bay lạc nên các chàng không nhận được tin. Giờ chúng ta phải làm sao đây?”.
Điềm đạm, Minh Trang cất tiếng: “Có thể các chàng cũng nhận được tin nhưng chưa biết thực hư chúng ta thế nào? Có thực sự đẹp đẽ, xinh xắn và tốt bụng như trong thư miêu tả hay không? Chị nghĩ rằng chúng ta cần phải làm cách khác. Chị nghe nói trong vùng có những người thợ vẽ tranh truyền thần rất đẹp. Chúng ta sẽ vẽ những bức tranh để lột tả vẻ đẹp lộng lẫy của chị em mình rồi gửi tới các chàng. Chắc chắn lần này các chàng sẽ đáp lại”. Mười cô gật gù đồng ý và ngay lập tức, những thợ vẽ tranh đẹp nhất được gọi đến và làm việc cật lực, sau 1 tháng đã hoàn thành xong những tác phẩm tuyệt đẹp.
Sau khi những bức tranh được hoàn thiện, bất kỳ ai nhìn vào cũng phải xuýt xoa mê mẩn. Hết sức hài lòng, các cô gái bèn cho một đoàn gia nhân gửi những bức tranh tuyệt đẹp đến tận tay các chàng trai cùng thông điệp “Chúng em đợi các chàng”. Đoàn gia nhân y lệnh và đưa đến tận tay. Lúc này Vũ Vân – nổi tiếng lãng mạn bắt đầu mơ về lễ cưới đẹp như truyện cổ tích, chàng công tử hào hoa cưỡi ngựa trắng đón nàng về dinh thự. “Ôi khi nào các chàng sẽ tới! Em hồi hộp quá! Chàng sẽ nói gì đây?”.
Ngày tháng trôi qua, những bức tranh đã được gửi đi nhưng vẫn không có động tĩnh gì từ mười chàng trai nổi tiếng hào hoa, phong nhã. Lòng tự trọng bị tổn thương, mười cô gái quyết định đi tìm hiểu. Chẳng dám nói với ai, mười cô lặng lẽ lên đường quyết tìm cho ra sự thật.
Trên đường đi, mọi việc hết sức thuận lợi, đoàn người sắp tới nơi thì bắt gặp một dòng sông lớn mà ngựa không thể đi qua được. Trên bờ sông chỉ có một con đò rách nát và anh lái đò mập ú Vũ Nguyên buông lời mời mọc: “Các em ơi, xuống đây anh chở miễn phí. Sau khi qua đò anh sẵn sàng chờ để đưa các em về.”
Thấy chiếc đò thì mỏng manh, anh lái đò thì háo sắc, các cô bèn xúm lại bàn bạc với nhau có nên xuống hay không? Băn khoăn, mỗi người đưa ra một ý kiến.
Pháp Nguyên tính thích của lạ: “Mình cứ liều thôi, vì tình yêu không thể không liều.”
Minh Nhi là người khuôn mẫu: “Mười người chúng ta mà ngồi cái đò nhỏ này nguy hiểm lắm chị ạ. Em không tiếc phải chết nhưng tiếc chưa lấy được chồng mà đã chết. Các chị nghĩ kỹ lại đi. Không biết các chị thế nào chứ chưa nếm mùi tình ái mà đã chết, em không chịu được.”
Ngân Hoa: “Chị chết thì không tiếc, nhưng không biết để lại cửa hàng hoa Mani cho ai bây giờ?”
Minh Phương xinh đẹp: “Cạnh nhà em có một cô gái luôn thách thức là nếu em mà lấy ai thì cô ta sẽ lấy chồng hơn em. Em sẽ lấy chồng và chứng minh cho nó là chồng em hơn chồng nó. Nên em sẽ đi sang bên kia để lấy chồng cho bằng được.”
Diệu Quyết rất thích phiêu lưu tình ái: “Em thích gái đẹp, à nhầm trai đẹp, chỉ nắm tay một lần thì chết cũng cam lòng.”
Vũ Vân, Nguyên Hồng bản tính ham chơi : “Sống lâu ở kinh thành em chán lắm rồi. Sống cũng như là chết, thà qua sông cũng đến được chỗ mới.”
Ngọc Tuyết đang mải ngắm một chiếc lá rơi trên sông, không buồn để ý đến cuộc tranh luận “ Các chị cứ bàn, em đếm lá xong thì em theo các chị.”
Năm cô bảo đi, bốn cô bảo ở. Thế là tất cả quyết định vào tay Vũ Trang. Tất cả cùng quay lại nhìn Vũ Trang. Vũ Trang bèn nói rằng: “Em thích yêu từ xa. Em không thích yêu gần, yêu xa mới vui. Thỉnh thoảng qua sông gặp nhau cho vui. Nhưng phải có người yêu thì mới vui được. Em cũng thích và tò mò muốn biết đàn ông đẹp trai như thế nào. Nên là tiến lên tốt hơn.”
Vậy là 6 cô đồng ý nên 4 cô còn lại ngại ngần lục tục theo xuống đò. Gã lái đò béo mập hoan hỉ, đò chở mười cô gái đẹp, ngắm là sướng rồi.
Dòng sông lớn, nước mấp mé mạn đò. Minh Phương thích cảm giác mạnh, thỉnh thoảng lại cất tiếng đùa nghịch: “Ờ rơi này! Chết này! Chết này!” Cả đò 10 cô gái rú lên. Ai cũng sợ. Thực ra Minh Phương sợ rơi xuống nước nên cố đè nén nỗi sợ bằng cách trêu đùa.
Có câu rằng: “Sợ cái gì thì cái ấy sẽ đến.” Lúc đầu chỉ có Minh Phương, dần dần nỗi sợ lan sang cả 10 cô gái. Chiếc đò mỏng manh chòng chành, cố hết sức đến gần bờ bên kia thì “Ùm!” lật nhào cả mười cô gái xuống nước.
Các cô gái vô cùng hoảng sợ dù nước chỉ mấp mé đầu gối. Lái đò Vũ Nguyên mồm hò hét, tay chân kéo các cô gái đang hoảng sợ lên bờ. Các cô ướt lướt thướt trả tiền nhưng Vũ Nguyên nói rằng: “Tôi tuy là lái đò nhưng là đại trượng phu trượng nghĩa, không cần tiền, chỉ cần mỗi cô thơm tôi một cái là được”. Cô mỉm cười khinh bỉ, cô lườm nguýt, không ai trả lời và bỏ đi. Lúc này, Vũ Nguyên mới tiếc rẻ nghĩ: “Biết thế thì mình lấy quách tiền đi cho xong, ít ra còn có thứ mang về…”
Vừa lên bờ được một đoạn, Minh Nhi hét lên: “Ô, không được! Qua sông xong phải đếm lại người. Nhỡ có một người chưa lên bờ được thì làm sao?” Nãy giờ chưa kịp hoàn hồn, giờ lại sợ không biết có ai còn ở dưới sông, các cô nháo nhác hết cả lên: “Làm thế nào bây giờ?”
Minh Trang ra vẻ chị cả: “Các em cứ bình tĩnh để chị đếm. Chị là chị cả. Bình tĩnh! Một, hai, ba…chín. Thôi chết rồi! Còn có 9 người.”
Vũ Trang: “Chị để em. Em học hết lớp một rồi, để em đếm. 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8… Ơ, có 9 người thôi.”
Vũ Vân: “Em học ít nhưng để ý giai rất giỏi, ngày nào em cũng ngồi đầu ngõ đếm giai đẹp, đếm chuẩn lắm, để em. 1, 2….9. Thôi chết thật rồi.”
Người bình tĩnh nhất là Ngọc Tuyết, lúc này mới lên tiếng: “Các chị cứ để em đếm. Em quen đếm sao trên trời rồi. Một… Hai… Ba… Thôi… chết… rồi… Hu… hu…”
Minh Nhi: “Để em, để em đếm, em chuẩn mực, em không đếm người mà em đếm đủ hai chân hai tay. Đủ hai chân hai tay – một. Đủ hai chân hai tay – hai,… ba… Chết rồi. Đủ chân đủ tay nhưng thiếu một người thật rồi!”
Ngân Hoa: “Em đếm tiền giỏi, để em. Nàng đếm rất tự tin, dõng dạc: 1, 2, 3… Ôi, thiếu tiền, à thiếu người thật rồi.”
Lần lượt từng người đếm, thế nhưng chỉ có 9 người. Chị em ôm nhau khóc lóc: “Trời ơi, Chị em ta thân nhau như thế, chỉ vì một chuyến đò đi tìm giai mà mất đi một người!”
Ai nấy đều tự trách mình.
Chị cả Minh Trang: “Tất cả lỗi là tại chị, chị bảo mọi người xuống đò”.
Pháp Nguyên ăn năn: “Tại em ham của lạ mà mất đi một người chị em tốt”.
Ngọc Tuyết: “Em đúng là ba phải, lúc ấy em nghiêng sang phe không đi thì có phải không ai chết không! Em lại chỉ mải nhìn trời”.
Nguyên Hồng: “Buồn quá! Chị chỉ một lần lỡ dại mà hỏng một đời người, hic hic”.
Minh Phương: “Chỉ vì thói ghen tị mà em đã hại một chị em mình.”
Các cô ôm nhau vật vã khóc lóc trên bờ sông. Ngày thường chơi với nhau thân thiết là thế, các cô cũng chẳng ngờ việc mất đi một người lại đau lòng đến vậy. Ai cũng hối hận, đau đớn, tự trách mình và thương cho người bị chết mà chính các cô cũng chưa biết là ai.
Có một Đại Sư đi qua, thấy 10 cô gái khóc lóc thảm thiết bên bờ sông, khởi lòng từ bi đến gần hỏi: “Này các con, vì sao con khóc?”
Các cô gái nhao nhao nói: “Hu hu, đại sư ơi, chúng con có 10 chị em hết sức xinh đẹp, thân thiết với nhau nhưng đã lớn mà chưa ai đến hỏi. Nay chúng con quyết định qua sông để tìm các chàng trai đào hoa lãng tử lấy làm chồng. Ai dè, khi vừa đến bến sông bên kia chỉ có chiếc thuyền nát duy nhất của lão lái đò háo sắc. Có mỗi một đoạn sông mà qua đến bên này chúng con đã bị mất một người… hu hu, tất cả là lỗi tại con…” Nói rồi các cô lại tiếp tục gào khóc.
Vị đại sư thong thả trả lời: “Rõ ràng ta đếm thấy mười người mà. Các con đã mất ai đâu?”
Các cô gái nghi ngờ: “Chắc là Đại sư già rồi, mắt kém nên đếm nhầm đấy thôi? Chúng con đã đếm rất kỹ, ai cũng thử đếm rồi và chỉ có 9 chín người thôi. Hu hu hu… Đa số thắng thiểu số, có mình Đại Sư đếm 10, còn chín người đếm 9 mà. Vậy là đúng chỉ có 9 người thôi.”
Vị đại sư vẫn ôn tồn: “Yên tâm, các con chưa mất gì đâu. Yên tâm, các con chưa từng mất gì hết.”
Không ai tin cả. Đại sư nói chưa từng mất gì. Thế là thế nào? Đang quá đau khổ, lại chỉ có mình Đại Sư nói vậy, trong khi 9 người nói mất, không ai tin nổi.
Đại Sư bèn bảo: “Thôi bây giờ ta không đếm, ta sẽ dùng cách khác để giúp các con nhận ra sự thật. Nhưng cách này sẽ phải đau đớn đấy! Các con có làm không?”
Mười cô bàn bạc với nhau, nửa bên dũng cảm đồng ý ngay, nửa kia tuy sợ đau nhưng vì mất mát lớn, mà lại có người nói sẽ chỉ cho mình thấy là không mất đâu, nên tất cả bèn đồng ý.
Đại sư nói: “Bây giờ ta sẽ tát mỗi con thật mạnh, thật đau, sau khi ta tát xong thì phải đếm số của mình. Người thứ nhất đếm là 1, người thứ 2 sau khi bị tát thì đếm là 2…”
Minh Phương, người sợ hãi nhất nhưng lại tỏ ra dũng cảm nhất bước lên nói: “Thưa Thầy, bề ngoài nhởn nhơ nhưng bên trong con rất nhiều vấn đề. Thầy tát con trước đi ạ”.
“Được!” Đại sự giơ tay thật cao tát Mình Phương một cái. Minh Phương ngã chúi ngã dụi vào bụi cây nhưng vẫn kịp hét lên “Một!”
Tiếp theo là Minh Trang, cô cũng cố nhắm chặt mắt chịu cú tát trời giáng của Đại Sư để làm gương cho các em. Bốp! “Á! Hai” rồi ngồi sụp xuống ôm lấy khuôn mặt đỏ lựng lên in hình cả 5 ngón tay trên má.
Đến lượt Vũ Vân liễu yếu đào tơ. Cô bị tát cho lật cả mặt, thân hình mảnh dẻ của cô quay mấy vòng trước khi kịp định thần hô lớn “Ba”.
Ngọc Tuyết rón rén đến gần, bị Đại sư tát một cái bất ngờ, nổ đom đóm mắt “Bốn! Ahuhu!”.
Lần lượt, lần lượt các cô gái bị tát đến sưng tấy mặt mày. Nhưng không ai quên hô lên số của mình. Năm, Sáu, Bảy, rồi Tám, Chín. Vũ Trang là người cuối cùng, bốp! “Mười!” Dù bị đau, nhưng cô vẫn hét lên sung sướng.
Ngọc Tuyết rón rén đến gần, bị Đại sư tát một cái bất ngờ, nổ đom đóm mắt “Bốn! Ahuhu!”. Lần lượt, lần lượt các cô gái bị tát đến sưng tấy mặt mày.
Vũ Trang hét xong nằm vật ra đất. Cảm giác sung sướng khiến cô không còn thấy đau nữa. Cả mười chị em vỡ oà chạy lại tới ôm đè lên Vũ Trang: “Ôi sống rồi! Ôi thoát hết rồi!”.
Mặc dù không hiểu người thứ mười mọc ở đâu ra, nhưng chỉ cần tất cả các chị em đầy đủ đã quả là một hạnh phúc lớn lao. Mặt cô nào cô nấy đều đỏ lựng vì bị tát, cô nào cũng khóc. Nhưng không phải tiếng khóc đau thương và hối tiếc trước khi bị tát mà chính là những giọt nước mắt của mừng vui và hạnh phúc khi được đoàn tụ. Thế mới biết tình cảm chị em thắm thiết nhường nào!
“Em yêu các chị! Em sẽ không bao giờ rời xa các chị!” Ngọc Tuyết gào thật to, cảm giác tội lỗi ban nãy tự nhiên được trút bỏ.
“Em cũng yêu các chị, nhưng ngồi dậy cho em thở với!” Vũ Trang sướng lắm, nhưng bị đè đau quá cũng phải la lên! Lúc này mười cô gái mới sực nhớ Vũ Trang đang bị đè bẹp dí như con gián dưới đất bèn lồm cồm đỡ nhau đứng dậy. Đứng dậy xong lại ôm nhau nhảy tiếp “Ôi! Thầy đã cứu được một người bị mất!”
Lúc này vị đại sư mới thong thả mỉm cười từ bi: Từ xưa đến nay, các con chưa từng mất. Thầy nói thì các con không tin. Cuối cùng, Thầy phải dùng phương tiện thiện xảo là tát làm các con tỉnh ra và nhận ra chưa từng mất cái gì hay mất ai cả. Thầy không lấy lại cho các con cái gì, Thầy chỉ giúp cho các con nhận ra sự thật mà thôi. Ngay khi các con đang khóc lóc vẫn có 10 cô, ngay khi các con hạnh phục vẫn có 10 cô.
Đại sư tiếp tục hành trình giúp những người khác nhận ra sự thật, để lại sau lưng mười cô gái vừa khóc vừa cười trong hạnh phúc bên bờ sông.
Kết thúc câu chuyện, Zangthalpa nhìn đại chúng nói: Hạnh phúc là thứ không phải tìm cầu mà có được. Vì hạnh phúc vốn đang luôn ở sẵn đây rồi. Tuy nhiên, hạnh phúc chỉ hiện ra khi nhận ra sự thật mà thôi.
Lúc các cô gái đếm mãi mà vẫn chỉ có 9 người, các con hẳn đã phì cười vì họ bị nỗi sợ che mờ mà không nhận ra sự thật vốn quá đơn giản phải không? Sự thật, thực ra rất gần, như trong câu chuyện 10 cô gái qua sông, nhưng gần quá nên lại không thấy. Người sống trong sự thật biết rằng, mọi nơi và mọi lúc, chỉ có “cái đang là” chứ không hề có một ai, một vật nào tồn tại thực sự ở đâu cả.
Ví như cái cầu vồng bảy sắc kia, hiện ra rực rỡ và sống động, nhưng hỏi xưa nay đã ai từng chạm được vào? Cầu vồng có vẻ hiện ra nhưng lại không thực sự tồn tại.
Các con đều đang bị vô minh che chướng quá nhiều không thể nhận ra được bản chất sự thật ngay trước mắt. Giống như mặt trời vẫn đang ở đây, nhưng chỉ vì những đám mây che mờ nên không thấy.
Hạnh phúc cũng như mặt trời, nhưng vô minh che lấp, nên chúng ta cứ đi tìm kiếm hoài, thậm chí còn muốn đi thật xa để tìm, qua sông, qua đò, rời khỏi quê hương… Chẳng phải là đi tìm mặt trời đang ở trên đầu hay sao?
Vì vô minh, khi gặp chuyện, chúng ta trở nên rối loạn và chìm đắm trong đau khổ, thế nên dù có người đến nói rằng hạnh phúc đang ở ngay đây thì ta cũng không thể tin vào điều ấy. Khi ấy, với lòng bi mẫn lớn lao, vị thầy sẵn sàng làm điều ta cần nhất và phù hợp nhất với ta ngay lúc đó.
Đôi khi, những hành động của vị thầy rất trái với thông thường. Những hành động ấy vượt lên mọi chuẩn mực xã hội. Những cái tát của đại sư “thật mạnh” giúp cho các cô gái tỉnh ngộ. Những “cái tát” vị thầy sẵn sàng dành cho học trò chứa đựng trong đó tình thương lớn lao: Giúp cho ta nhận ra sự thật.
Rồi Zangthalpa đưa mắt nhìn về phía bà trưởng giả, ôn tồn: – Hình ảnh mười cô gái hoảng loạn vì tưởng mất một người chị em trong khi sự thật là họ vẫn đủ 10 thì cũng không khác gì việc con khóc lóc đau khổ vì mất ông chồng. Sự thật là không có người đau khổ, không có ai gọi là ông chồng và cũng không có thứ gọi là mất mát… Chỉ có cái đang là trọn vẹn và đầy đủ. 10 cô gái là đại diện cho cái đang là hoàn hảo, còn sự khóc lóc khi tưởng mất 1 cô gái là biểu tượng cho sự nhầm lẫn rằng thực tại có gì đó thiếu thốn và bất ổn. Sự kiện các cô gái nhận ra chưa từng có ai bị mất cho thấy rằng hạnh phúc sẽ đến khi những ảo tưởng và nhầm lẫn được xoá tan! Con đã hiểu chưa?
Bà trưởng giả quỳ xuống chắp tay: “Tạ ơn Thầy đã giúp con tỉnh ngộ. Hóa ra từ trước tới nay, thứ hạnh phúc, danh dự, tài sản, thậm chí cả ông chồng mà con tưởng có, muốn giữ, thực ra chưa bao giờ là của con, chưa bao giờ là thật. Con chưa từng đánh mất điều gì, chưa từng có gì để mà mất. Đó chỉ là sự ban phước bí mật để con nhận ra Sự thật mà thôi.”
Zangthalpa thong thả đứng dậy và đọc bài kệ:
KHI NHẬN RA HIỆN TẠI LÀ KHO BÁU,
KHÔNG BAO GIỜ CÓ THỂ TÁCH RỜI
BẠN KHÔNG CẦN PHẢI MONG CHỜ CHẤP NHẬN,
HAY LO SỢ BỊ NGƯỜI KHÁC CHỐI TỪ
KHÔNG CẦN PHẢI KHOE KHOANG,
GIẢ VỜ VỀ NHỮNG ĐIỀU MÌNH KHÔNG CÓ
TỪ BỎ CÁI TÔI,
HÒA NHẬP VÀO CÁI ĐANG LÀ
BẠN CHỈ CẦN,
ĐƠN GIẢN THẾ THÔI
….
Phía sau lưng, đại chúng chắp đảnh lễ cung kính, hân hoan tiễn bước chân Thầy….
Trong Suốt kể tại Hà Nội tháng 11 năm 2015.
Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 44: Ước gì được nấy có sướng không?