Trong một lần đi du lịch đến thành phố biển Nha Trang, Zangthalpa dẫn học trò cùng phóng sinh tại ngôi chùa Đa Bảo trên một ngọn núi nhìn ra phía biển. Sau buổi lễ, mọi người ngồi quây quần bên Thầy và cùng thưởng ngoạn cảnh hùng vĩ của đất trời. Bỗng một cô gái vẻ mặt đầy lo lắng và sợ hãi thưa:
“Thưa Thầy, xin Thầy cứu chị con với! Ở làng bên có một trò chơi mới tên là Bit Tông mà cả làng con sắp mất hết tiền vào đó rồi. Chị con giờ đã khuynh gia bại sản, bây giờ thiếu nước bán nhà đi tha hương mới mong trốn khỏi cảnh xiết nợ gắt gao. Chị còn không thiết sống nữa!”
Zangthalpa ngạc nhiên: “Bit Tông là trò gì ta chưa nghe qua?”
Cô gái kính cẩn thưa: “Dạ, Bit Tông là một trò chơi mới được thiết kế gần đây. Có 10 anh lực sỹ khoẻ mạnh thi nhau bơm thổi để đẩy cái đĩa của họ lên cao, khi nào các lực sỹ mệt, không được ai thay thế, đĩa sẽ tự động rơi xuống. Người người có thể đặt cược xem đĩa lên hay xuống. Khi thấy anh nào đang bơm khoẻ mọi người cùng hò nhau đặt cược rằng đĩa lên cao. Chỉ cần chậm chút xíu, đĩa bay lên cao hơn là mất cơ hội. Nhưng ngặt nỗi sức người có hạn. Trong khi đám đông đang hò reo cổ vũ thì anh lực sỹ lại mệt quá, dừng lại. Đĩa rơi xuống không phanh. Người nào cược đĩa xuống ngay lúc ấy thì sung sướng, còn chị con hùa theo đám đông đặt cược đĩa lên cao thì mất trắng! Sao thắng và thua lại chỉ cách nhau trong gang tấc vậy thầy!”
Zangthalpa bật cười “Đấy chỉ là trò vui thôi, sao lại mất cả nhà cửa được?”
“Dạ, vì trò này tưởng dễ. Ban đầu chị con chơi lần nào thắng lần ấy, gấp đôi gấp ba tiền. Thế là chị con vay mượn người thân, dồn hết tài sản vào đó, rủ cả bạn bè cùng góp. Chị cũng rủ mà con không tham gia. Chị cũng tính chơi một lần rồi thôi. Ai ngờ chính lần ấy cược sai nên mất hết. Chị con còn vay nặng lãi để gỡ lại, nhưng càng chơi càng mất. Trời chẳng chiều lòng người. Chị cứ cược lên thì đĩa rơi xuống, chị cứ cược xuống thì đĩa lại lên, cứ như các anh lực sỹ biết chị nghĩ gì để làm điều ngược lại. Càng thua càng muốn gỡ, càng gỡ lại càng thua. Tiền của cứ thế là bay sạch. Giờ chị chẳng còn gì, còn cái mạng cũng không muốn giữ nữa. Chị con đã tới đường cùng rồi. Xin Thầy cứu chị con với!”
Zangthalpa nở một nụ cưới hiền từ “Trò Bit Tông đấy hay nhỉ! Vấn đề là chị con và những người khác tham gia cuộc chơi ở trạng thái nào thôi. Tham gia như một con bạc hay tham gia như một người thưởng ngoạn trò chơi. Để ta kể cho con nghe một câu chuyện ta nghe được trên đường đi du lịch, con sẽ hiểu là chơi Bit tông vẫn có thể rất thú vị và chị con cần có thái độ như thế nào để làm được như vậy. Câu chuyện có tên là “Chiếc bát kim cương”.”
Ngày xửa ngày xưa đã lâu lắm rồi, tại đất nước Ấn Độ, có một nhà buôn Antagati rất giàu có. Ông là đại gia sở hữu một đội thương thuyền, tổ chức buôn bán xuyên quốc gia. Antagati có một người con gái tên là Dhalika, rất xinh đẹp, thông minh, tài trí, giỏi giang. Mỗi khi được bố giao nhiệm vụ gì, cô luôn nghĩ ra muôn ngàn kế sách để thực hiện cho bằng được. Chẳng may vợ Antagati mất sớm, ông nhận thêm một cô con gái nuôi tên là Satya. Satya là cô gái thông minh, xinh đẹp, thật thà và nhân hậu. Cô rất chăm chỉ học hỏi những trí tuệ kinh doanh mà bố Antagati chỉ dạy và luôn thấm nhuần tư tưởng của cha trong việc yêu thương và luôn nghĩ cho người khác. Đại gia Antagati cũng là người rất bình đẳng, ông không bao giờ coi trọng con đẻ hơn con nuôi. Ông yêu thương, chia sẻ và dạy dỗ hai con đều như nhau.
Khi Antagati già đi, ông bắt đầu cân nhắc xem sẽ để lại sản nghiệp đồ sộ này cho ai. Một hôm, ông gọi hai cô con gái đến và nói: “Các con yêu quý của ta, ta nay đã già rồi, việc kinh doanh của gia đình cần phải tìm ra một người xứng đáng, thay ta gánh vác”. Hai cô gái nghe cha nói xong đều hỏi: “Dạ, thưa cha, vậy như thế nào mới là xứng đáng ạ?” Ông trả lời: “Ở vùng biển Đông, có một nước tên là Việt Nam, có nhiều thương cảng nối giữa các châu lục nên có rất nhiều cơ hội làm ăn béo bở. Nay ta mở một cuộc thi kinh doanh, ta cho hai con số vốn bằng nhau, mỗi người một chiếc thuyền riêng để đến Việt Nam buôn bán. Ai đem về nhiều của cải hơn, người đó sẽ thắng cuộc và ta sẽ trao toàn bộ tài sản cho.”
Hai cô gái nghe xong đều vâng lời cha, háo hức chuẩn bị cho chuyến đi. Tuy là cùng háo hức, nhưng sự háo hức của hai cô lại vô cùng khác nhau. Đối với cô chị Dhalika, đây là cơ hội hiếm có để sở hữu được toàn bộ tài sản của cha. Cô buộc mình phải thắng, dù có phải vất vả nỗ lực thế nào đi chăng nữa. Cô lên một kế hoạch tỉ mỉ, rõ ràng, chi tiết, và cực kỳ háo hức mơ về chiến thắng ở rất gần. Cô em thì khác, cô vừa thích kinh doanh, vừa thích đi du lịch. Thử thách lần này đối với cô chẳng khác gì một cuộc chơi mà cô được cung cấp đầy đủ phương tiện để làm điều trái tim cô hát. Được thế thì còn gì bằng!
Hai cô gái xinh đẹp, giỏi giang cùng dong thuyền vượt đại dương thẳng tiến đến vùng đất mới. Với số vốn ban đầu, họ mang theo rất nhiều sản vật quý giá từ Ấn Độ. Tới Việt Nam, họ ghé vào các thương cảng lớn để trao đổi, buôn bán. Chẳng mấy chốc, số hàng mang đi từ Ấn Độ được các thương nhân Việt Nam tranh nhau mua hết. Đúng như lời ông bố, đất nước Việt Nam quả là một thị trường vô cùng tiềm năng và chuyến buôn của hai cô mới chỉ sau hai tháng đã rất thành công. Họ mua được rất nhiều hàng quý như: lụa tơ tằm, trầm hương, ngọc trai, tổ yến… với giá rẻ và bán lại với giá rất hời. Hai cô gái vui lắm. Cô chị thì luôn dò hỏi cô em xem buôn bán thế nào, số vốn cha cho giờ đã gấp lên mấy lần để ngầm so sánh thắng thua. Trái ngược lại, cô em hạnh phúc tận hưởng chuyến đi, đến những vùng đất mới, gặp những con người mới, và tận hưởng cả những thương vụ thành công, những mối làm ăn mới được bắt đầu bằng tình bạn. Còn cô chị buôn bán chẳng kém gì cô em. Nhưng lúc nào cô cũng canh cánh lo rằng em sẽ hơn mình. Chẳng mấy chốc, hai cô đã tới thương cảng cuối cùng trước khi về nước. Sau chuyến buôn ở cảng này, doanh số thắng thua sẽ được quyết định.
Cô chị là người túc trí đa mưu và đầy ghen tị. Cô không thể chịu nổi nếu lỡ mình bị thua. Cô nhẩm tính: “Số vốn thì bằng nhau. Ngoài những thứ quý giá mình tự mua, mình còn mua tất cả những gì nó buôn bán. Được cái mình đều ép giá người bán để mua được giá rẻ hơn và bán lại giá cao hơn nó. Chắc chắn mình nắm tám phần thắng rồi. Nhưng thực sự vẫn chưa thể yên tâm, còn một cảng nữa thôi, nếu chẳng may nó kiếm được nhiều hơn mình thì nó vẫn có cơ hội và bố sẽ để lại tài sản cho nó. Không được, không được… mình phải tìm cách!” Cuối cùng cô cũng nghĩ ra một kế hoạch.
Tàu vừa cập cảng, cô chị sang thuyền của cô em và dỗ dành ngon ngọt: “Satya ơi, còn một thành phố này nữa thôi là chúng ta về nhà rồi. Chuyến buôn này quả là mỹ mãn em nhỉ, sao chị em mình không nghỉ ngơi, xả hơi một tí?” Cô em nghe lời chị cũng cảm thấy hào hứng: “Vâng, em cũng muốn tìm hiểu thành phố mới. Chuyến này buôn thật là vui. Em cũng học được rất nhiều bài học và chứng nghiệm được những lời cha đã dạy. Hai chị em mình vào thành ăn mừng thôi!” Cô chị đắc ý vì cô em đã dính bẫy. Hai cô vui vẻ dắt tay nhau tiến vào thành phố. Cô em không biết rằng, trước đó cô chị đã lập mưu thuê các siêu trộm trèo lên thuyền của em gái để tìm chỗ cất giấu tiền, hàng. Trong vòng một tiếng, các tên trộm đã vét sạch sành sanh đống hàng và tiền không chừa cho cô em một xu nào.
Chiều tối hôm đó, hai chị em ăn mừng xong, cùng nhau trở về. Satya vừa bước lên thuyền, cô giật nảy mình khi thấy thuyền của mình sạch trơn. Tất cả hàng đã không cánh mà bay. Vội vã, cô chạy xuống khoang kiểm tra hòm tiền thì ôi thôi cả hòm tiền trống trơn, chẳng còn một cắc. Thôi rồi, chắc chắn lúc mình đi vào thành bọn trộm đã động thủ. Giờ phải làm sao, đây là cảng cuối rồi. Lo lắng và tiếc nuối nổi lên khiến Satya thần người đi một lúc. Bỗng những lời dạy của cha hiện lên rất rõ ràng: “Kinh doanh là một trò chơi mà tiền được chuyển từ túi của những người tham lam, nóng vội và sợ hãi sang túi những người trí tuệ, bình tĩnh và kiên nhẫn. Mấu chốt là khi những cảm xúc tiêu cực nổi lên, con không được để những cảm xúc đó điều khiển hành động của mình.”
Nhận ra mình đang lo lắng, Satya ngồi xuống bình tĩnh lại, chưa hành động gì vội. Những lời dạy của cha lại vang lên: “Bao nhiêu năm kinh doanh khiến ta rút ra được một điều, rằng thành hay bại chẳng phải do ta quyết định, mà được quyết định bởi các xung lực tự nhiên. Có cố gắng đến mấy, có chắc thắng đến mấy mà xung lực tự nhiên không cho phép thì vẫn thất bại như thường. Chỉ khi nào người kinh doanh vâng phục xung lực tự nhiên, thuận theo xung lực tự nhiên thì lúc ấy mới bắt đầu nếm được vị hạnh phúc thực sự trong kinh doanh.”
Một nụ cười xuất hiện trên môi Satya. Đã bao lần cha dạy cô bài học này, nhưng chưa lần nào cô thực sự hiểu về cái gọi là xung lực tự nhiên. Giờ đây, ngay khi đang cảm thấy hoàn toàn bất lực, một cảm giác vâng phục xuất hiện. Nếu xung lực tự nhiên đã quyết việc cô bị mất hết tiền của, thì đây chắc chắn là việc buộc phải xảy ra, không thể tránh khỏi, không thể có bất cứ lựa chọn nào khác. Nếu đã hoàn toàn bất lực, thì việc duy nhất có thể làm là tận hưởng tất cả những gì hiện ra, kể cả việc mất hết tiền của. Ánh mắt Satya rạng ngời hạnh phúc. Những lo lắng ban nãy tự nhiên biến mất mà không cần phải cố gắng gì. Người cô nhẹ bẫng đi trong một trạng thái lâng lâng sung sướng, hoàn toàn hài lòng với hiện tại. Bỗng cô nhớ ra mình còn đúng 1 đồng vàng sót lại sau bữa ăn mừng với chị, cô nhủ thầm “Xung lực tự nhiên vẫn để cho mình chơi tiếp trò buôn bán và du lịch này. Quả là thú vị!” Nghĩ vậy xong, cô kiểm tra cửa nẻo lại một lần nữa cho cẩn thận rồi tắt đèn đi ngủ trong sung sướng.
Về phần Dahlika, sau khi thực hiện xong vụ trộm trót lọt, cô hả hê lắm. Tài sản của cô đã nhiều, nay lại còn gấp đôi chỉ sau mấy tiếng. Cô định bụng ngày mai sẽ vào thành phố này sục sạo kiếm thêm để tìm xem có món hời nào nữa không. “Phen này phần thắng chắc chắn thuộc về mình rồi. Toàn bộ gia tài của cha sẽ thuộc về ta!!! Ha ha ha!” Cô cười ha hả đắc thắng và cũng tắt đèn đi ngủ trong sung sướng.
Ngày hôm sau, Dhalika dậy từ rất sớm đi vào thành. Vừa tới cổng, cô đã nghe thấy tiếng khóc tức tưởi. Cô rẽ đám đông đi lại gần thì thấy một người con gái lam lũ, rũ rượi đang khóc gục bên quan tài. Cô hỏi: “Em ơi em tên gì, em có chuyện gì vậy?” Cô gái đang khóc, thấy tiếng người hỏi, mới ngẩng đầu lên nói: “Dạ, em tên Ngọc Tuyết, bố em vừa mới mất chị ạ. Nhưng nhà em nghèo quá, bây giờ em thậm chí không có nổi một đồng tiền lẻ nào để chôn bố. Em khổ quá chị ơi!”. Dhalika liếc nhìn căn nhà xiêu vẹo rách rưới nhưng vẫn có vẻ cổ kính bèn cảm thấy đây là chỗ có thể kiếm chác được chút gì: “Thế nhà em có gì bán không? Chị là nhà buôn từ phương xa tới. Chị cũng không có nhiều tiền, nhưng nhìn hoàn cảnh của em đáng thương quá! Nhà em có gì quý đem hết ra đây, chị mua cho giá tốt để em có tiền mà chôn bố.”
Ngọc Tuyết oà khóc “Nhà em tiền ăn còn chẳng đủ, lấy gì có đồ quý!” Nhưng cô chợt nhớ ra là còn một đồ vật trong phòng bố “À, chị ơi, nhà em có một cái bát gia bảo không hiểu sao nó xấu xí lắm mà bố em lại cất rất kỹ và dặn em phải bảo vệ nó. Chị là nhà buôn, may ra chị biết cách nhìn hàng, chị xem giúp em xem là bát gì thế ạ!”. Dhalika nghe thấy chiếc bát gia bảo là nghĩ ngay đến món hời liền bảo cô gái mang chiếc bát cho mình xem. Cô gái đứng dậy đi vào trong phòng lấy cái bát ra. Thoạt nhìn qua chiếc bát vô cùng đen đúa xấu xí, nhưng với con mắt tinh đời, Dhalika biết rằng đây chắc chắn là một loại đá quý. Cô mừng quá vội vàng hỏi: “Em gái, em định bán chiếc bát này bao nhiêu?” Ngọc Tuyết sau một hồi tính toán nói: “Chị ạ, em chỉ định bán với giá một đồng vàng thôi, đủ để tổ chức tang lễ cho bố.”
Dhalika nghĩ: “Nó không hề biết giá trị của cái bát, đối với nó thì đây chỉ là một cái bát vứt đi, giá một đồng vàng hơi đắt, mình có thể bảo nó rằng cái này chẳng giá trị gì, xong ép giá mua rẻ hơn.” Nghĩ là làm, cô tiếp lời: “Cái bát này làm gì đáng giá một đồng vàng, đen xì thế này, xấu xí thế này. Em biết một đồng vàng giá trị thế nào không? Thôi, chị trả em một phần tư đồng vàng, chị cho em thêm một phần tư nữa mà lo tang lễ; cộng lại là một nửa đồng, thế là chị thương em lắm rồi đấy! Trẻ như vậy mà đã mồ côi. Tội ghê!”
Thoạt nhìn qua chiếc bát vô cùng đen đúa xấu xí, nhưng với con mắt tinh đời, Dhalika biết rằng đây chắc chắn là một loại đá quý
Ngọc Tuyết tần ngần: “Em nói thật với chị, em không phải tiếc cái bát nhưng nửa đồng vàng thì em không thể bán được. Nửa đồng không đủ tiền ma chay cho bố em.” Dhalika ra giá thêm: “Thôi, chị mày thương tình, ba phần tư đồng vàng. Chốt rồi đấy nhé!”. Ngọc Tuyết đáng thương tính đi tính lại. Cô phân vân lắm! Nhưng với ba phần tư đồng vàng cũng không làm sao đủ cho cho buổi tang lễ. Dù gì đây cũng là chiếc bát gia bảo, cô sẽ chỉ bán nếu hoàn thành được hậu sự cho bố. Cô nài nỉ: “Em đã đến đường cùng mới phải bán vật gia bảo. Chị thương em trả đủ cho em một đồng để bố em được chôn cất tử tế! Em không dám lấy hơn!”. Dhalika nghĩ: “Kiểu gì rồi nó cũng phải bán cái bát cho mình thôi. Cả cái đất nước nghèo nàn này, trừ mình ra làm gì có ai có mắt nhìn hàng quý, chẳng ai biết giá trị chiếc bát cả. Mình bỏ đi ngày mai quay lại, kiểu gì nó cũng phải bán cho mình thôi.” Cuối cùng nàng chốt giá: “Ba phần tư đồng tiền vàng, ngày mai chị quay lại, nếu muốn chôn cất bố thì bán cho chị, chứ cái bát xấu xí của em chả ai thèm mua đâu!”
Ngọc Tuyết không thể bán được chiếc bát, lại gục bên quan tài cha buồn bã khóc lóc. Dhalika chắc mẩm ngày mai quay lại thì thế nào nó cũng phải bán chiếc bát cho mình với giá ba phần tư đồng tiền vàng. Nghĩ đến món hời ấy mà cô sướng run cả người. “Phen này thì thần may mắn quả đã đứng về phía mình, vừa trộm được tài sản của Satya, vừa mua được bát xịn mình thắng là cái chắc. Việc cha giao toàn bộ tài sản lại cho mình quản lý chỉ còn là chuyện ngày một ngày hai thôi. Dù con Satya có tài giỏi đến mấy thì còn lâu mới lật lại được tình thế. Riêng cái bát này đã giá trị cả một gia tài rồi.” Cô đắc ý, cười ha hả bỏ đi.
Trưa ngày hôm đó, sau khi ngủ dậy và nghỉ ngơi, Satya thong thả đi vào thành. Cô cũng bắt gặp Ngọc Tuyết đang khóc lóc vật vã. Vốn là một cô gái thương người, cô nhanh chân bước đến xem có chuyện gì. Ngọc Tuyết đáng thương cũng kể về gia cảnh cho Satya nghe. Satya liền rút một đồng vàng duy nhất đưa cho Ngọc Tuyết “Chị chỉ có một đồng vàng này. Nhưng em cần nó hơn chị. Em hãy cầm lấy mà lo hậu sự cho bố.” Quá sức bất ngờ trước hành động của một người lạ mặt, Ngọc Tuyết không khỏi xúc động “Ôi em đội ơn chị! Đúng là em chỉ cần một đồng vàng là lo xong chuyện của bố. Chị quả là một người tốt! Em cũng muốn tặng chị một món quà để chị em ta sau này vẫn nghĩ tới nhau. Em sẽ tặng chị chiếc bát gia bảo, là vật duy nhất còn giá trị trong nhà em!” Ngọc Tuyết vào nhà lấy bát tặng cho Satya. Satya nhìn qua liền biết đây là chiếc bát quý, rất giá trị nhưng cô nhất quyết từ chối: “Đây là chiếc bát rất quý, chị có bán cả thuyền của chị đi cũng không mua nổi đâu. Em cứ giữ lấy, chị thực sự không cần cái bát của em. Còn đồng vàng này, em cầm lấy mà lo hậu sự cho bố.” Ngọc Tuyết vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Trước hoàn cảnh khó khăn của mình, cô gái lạ này không hề tham lam mà lại sẵn sàng tặng cô một đồng tiền vàng để lo ma chay cho bố. Cô cảm động vô cùng trước tấm lòng tử tế của Satya và quyết định tặng chiếc bát cho Satya dù Satya có từ chối thế nào. Cuối cùng, Satya đưa cho Ngọc Tuyết đồng tiền vàng và nhận chiếc bát ra về. Hai người chia tay bịn rịn, hẹn ngày sẽ gặp lại.
Hôm sau, Dhalika lại đến tìm Ngọc Tuyết, rất tự tin hất hàm: “Thế nào, con bé kia, mày có bán cái bát xấu xí ấy cho chị không?” Ngọc Tuyết đang bận rộn chuẩn bị cho việc chôn cất bố thấy Dhalika đến hỏi thì bực mình lắm. Hôm qua tí nữa thì cô đã bị Dhalika lừa rồi, cô nói lại ngay: “Đồ xấu xa, cái bát rất giá trị mà chị lừa em. May mà có người tốt bụng đến mua nên em đã bán đi đủ tiền ma chay cho bố rồi.” Dhalika lo lắng hỏi: “Em bán giá bao nhiêu, em hãy tìm người ta chuộc lại, lần này chị sẽ trả giá gấp đôi.” Ngọc Tuyết trả lời: “Em bán đúng giá một đồng tiền vàng.” Dhalika cảm thấy bầu trời như sụp đổ. Cô hốt hoảng hỏi Ngọc Tuyết về người mua bát và quyết tâm phải lấy lại cái bát bằng được. Một đồng chứ nghìn đồng cô cũng trả. Ngọc Tuyết tả một lúc thì Dhalika nhận ra đúng là Satya – người em nuôi của mình. Vội vã, Dhalika ra lệnh cho tất cả thuộc hạ không mua bán gì nữa, đuổi theo cô em, lần này nếu không mua lại thì phải cướp cho bằng được. Rất tiếc, Satya đã hết tiền, nên đã ra về luôn từ hôm trước. Mọi người hối hả chạy ra đến cảng nhưng thuyền của Satya đã xuất bến từ lâu. Dhalika chẳng còn cách nào hơn, cũng đành dong thuyền về nước.
Một tháng sau thì thuyền cập bến đến quê nhà. Hai cô gái liền đem tài sản dâng lên ông bố. Cô chị kể rằng mình đã mua được rất nhiều sản vật quý hiếm và lãi gấp mười lần số vốn ban đầu. Cô em thì chỉ đưa ra mỗi một chiếc bát. Vừa nhìn thấy chiếc bát, ông bố thoáng chút ngạc nhiên. Sau khi xem xét kỹ, ông sai gia nhân mang một bình thủy ngân đến và thả bát vào đó. Một lúc sau, những màu đen bên ngoài dần dần biến mất và để lộ ra một chiếc bát kim cương nguyên khối, trong suốt, sáng lấp lánh. Ông gật gù: “Vật này đáng giá bằng cả một tòa thành. Dahlika, con rất xuất sắc vì đã lời gấp mười lần số vốn ban đầu. Nhưng trị giá cái bát này gấp trăm lần tài sản mà con đã kiếm được. Vì thế ta tuyên bố Satya là người thắng cuộc!”
Dahlika quá sốc, bao nhiêu nỗ lực giành thắng lợi thế là tiêu tan. Các tham vọng đạt được quyền thừa kế cũng chấm hết! Nhìn em gái tay không nhưng có tất cả, lại còn sắp được hưởng thừa kế nữa. Lòng cô không khỏi dậy lên sự ghen ghét đố kị.
Lão đại gia quan sát hai đứa con gái, mỉm cười và nói: “Hai chị em đều là những nhà buôn xuất sắc. Cha rất yên tâm với tài năng của các con. Vì thế, toàn bộ tài sản của ta sẽ cho đi làm từ thiện hết. Hai con đều rất giỏi, có thể tự xoay sở được. Trước đây ta cũng gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Ta sẽ để lại cho các con toàn bộ số tài sản đã kiếm được trong chuyến buôn vừa xong để làm vốn”.
Satya lễ phép thưa: “Thưa cha, những gì con mang về chỉ từ một đồng tiền vàng thôi. Vì vậy, con xin nhận số vốn là một đồng tiền vàng ạ. Còn chiếc bát quý, con xin biếu cha làm kỷ niệm!”
Dhalika đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. “Cuối cùng là sao? Bao nhiêu nỗ lực như vậy để đạt được thừa kế, vậy mà cha lại đem hết tài sản đi làm từ thiện, há chẳng phải công toi? Mà Satya lại không hề mảy may rầu rĩ, lại còn tặng lại bát cho cha, thế là thế nào? Tất cả những chuyện này thật quá nực cười!” Nghĩ là nực cười, nhưng một phần sâu thẳm bên trong Dhalika được đánh thức “Ngay từ đầu cha đặt ra thách thức này không phải để chọn người thừa kế. Dù ai chiến thắng cha cũng sẽ đem từ thiện hết tài sản thôi. Vậy đúng là tất cả những mưu mô, toan tính, chiếm đoạt của mình thật quá vô nghĩa. Vô nghĩa ngay từ khi bắt đầu rồi! Mình đã bắt đầu với một thái độ sai, mình không thể kết thúc với một thái độ sai nữa!”
Dhalika nhận lỗi với cha và em vì những hành động sai trái của mình. Cô cũng xin được trả lại số tài sản đã trộm cho Satya và mong Satya chỉ thêm cho cô về bí quyết kinh doanh hạnh phúc.
Zangthalpa ngừng kể. Mây giông kéo đến vần vũ mặt biển tạo ra một cảnh tượng cực kỳ tráng lệ. Ánh mắt cô gái ban nãy đã rạng ngời trở lại “Thầy ơi, con đã hiểu rồi. Ngay từ đầu chị con tham gia Bit Tông là vì lòng tham. Chị bị nỗi sợ và lòng tham điều khiển nên đặt cược chẳng hề sáng suốt. Càng mất, chị càng cược nhiều hơn để mong gỡ lại, dồn hết tài sản vào đấy tới nỗi khuynh gia bại sản, nợ nần chồng chất. Chị không hiểu rằng giá lên hay xuống đâu có theo mong muốn của chị đâu.”
Zangthalpa mỉm cười “Bit Tông chỉ là một trò chơi thôi, nhưng chị con lại quá thật hoá nó. Trò chơi được thiết kế để tạo ra cảm xúc cho những người tham gia. Cảm xúc được sinh ra để mà cảm nhận và tận hưởng. Cảm xúc càng mạnh thì mức độ tận hưởng càng nhiều. Nhưng chị con lại thật hoá trò chơi, chị con chui vào nó và bị những cảm xúc tạo ra trong quá trình chơi điều khiển nên mới đau khổ. Nếu chị con không nhận ra đấy chỉ là một trò chơi, thì ai có thể kéo chị con ra được đây? Còn nếu đổi thái độ, thì chỉ cần một số vốn nhỏ, chị cũng có thể xây dựng lại từ đầu.”
Người học trò lặng nhìn Zangthalpa một lúc lâu. Cô nói: “Thưa thầy, có phải Satya ngay từ đầu đã tham gia thử thách như một cuộc chơi. Nên cô luôn hài lòng và hạnh phúc với bất kỳ điều gì xảy ra. Kể cả khi cô bị mất tài sản, bị hại, bị đố kỵ, cô vẫn đối xử với mọi người bằng trí tuệ và tình thương, không mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Vì là chơi nên dù là thắng cuộc, điều đó cũng không còn quan trọng với cô. Satya không cần bất kỳ phần thưởng nào. Còn Dhalika, cô không coi đó là một trò chơi mà là một cuộc tranh giành có thắng thua, rất thật. Cô đã để cho những ghen tị, tham lam, sợ hãi điều khiển nên phạm phải hết sai lầm này đến sai lầm khác. Bao nhiêu mưu mô tranh đấu, cuối cùng vẫn chỉ là người thua cuộc, và phần thưởng mà người bố đưa ra ban đầu cũng tiêu tan. Satya tận hưởng trò chơi kinh doanh từng giây phút còn Dhalika thì bị cuốn vào và mắc kẹt trong đó.”
Zangthalpa gật gù: “Nếu đã là trò chơi thì tất cả người tham gia, nhân vật, bối cảnh cũng đều chỉ là cảnh hiện ra, thực sự thì không có gì, không có ai được mất trong đó. Nhưng những bài học thì có thể được học từ những cảnh được mất thắng thua này. Bit Tông là một trò chơi nhỏ, cuộc đời các con cũng chỉ là một trò chơi lớn mà thôi. Vậy các con muốn chọn thái độ nào? Chơi để học các bài học cần thiết rồi tận hưởng như cô em, hay chạy theo được mất, trở thành nô lệ của lòng tham và sợ hãi như cô chị?”
Nói rồi thầy nhắm mắt cảm nhận làn gió mạnh thổi vào từ biển. Lúc này những hạt mưa cam lồ bắt đầu rơi. Ở phía xa, mặt trời vén màn mây giông, trải lên mặt biển một tấm thảm kim cương lấp lánh.
Thầy Trong Suốt kể tại Hà Nội, tháng 5/2014
—-
Đọc tiếp Zangthalpa – Phần 43: Mười cô gái qua sông